Kích thích người tiêu dùng

ANTĐ - Khi phát biểu trước công luận, một số quan chức Chính phủ luôn lưu ý rằng, gói hỗ trợ trị giá 29.000 tỷ đồng mà Chính phủ mới công bố là “gói giải pháp chứ không phải gói kích cầu”. Không đơn giản chỉ là tên gọi, bởi vì về bản chất, “gói kích cầu” đã từng gây ra lạm phát mấy năm nay. Còn “gói giải pháp” thì vừa kiềm chế được lạm phát, vừa có tiền đề để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP. Sản xuất đình trệ thì phải kích thích doanh nghiệp, nhưng hàng tồn kho, sức mua giảm sút đương nhiên phải kích thích tiêu dùng.

Dù gọi là gói gì thì cũng vẫn là giải pháp cho ngân hàng bơm vốn rẻ, Nhà nước “bơm” thêm 2.100 tỷ đồng vốn đầu tư để thực hiện một số dự án, công trình quan trọng. Theo ý kiến của nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, kích thích sản xuất chưa đảm bảo sản xuất kinh doanh phát triển ổn định, cần phải miễn giảm thuế thu nhập cá nhân để kích thích tiêu dùng. Sản xuất ra phải được tiêu dùng. “Gói giải pháp” của Bộ Tài chính đưa ra mới chỉ kích thích sản xuất mà “bỏ quên” kích thích tiêu dùng. Vướng mắc, khó khăn của hầu hết doanh nghiệp hiện nay là gì?

Theo Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 4-2012, chỉ số hàng công nghiệp chế biến tồn kho đã tăng tới 32,1% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và tiêu dùng trong dân cư sụt giảm, thậm chí cả ngành thực phẩm, rau quả cũng ế ẩm. Kết quả một cuộc khảo sát niềm tin của người tiêu dùng trong quý I năm nay, vừa được một công ty có uy tín cho thấy, 69% người tiêu dùng Việt Nam được hỏi đều tỏ ra bi quan và cho rằng, số tiền còn lại sau khi trang trải các sinh hoạt phí thiết yếu cho cuộc sống, họ sẽ để dành tiết kiệm phòng ngừa rủi ro, bất trắc. Nhiều người cho biết họ đã phải thay đổi thói quen mua sắm để tiết kiệm chi tiêu cho gia đình. Cuộc khảo sát cũng cho thấy, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng đã giảm 5 điểm so với quý IV-2011. Điều đó có nghĩa là, người dân không còn thiết tha chi tiêu, mua sắm bởi họ cảm thấy không yên tâm trước những diễn biến kinh tế và có xu hướng nghiêng về giữ tiền để tích trữ. Các siêu thị, trung tâm thương mại thưa vắng người mua. Hàng loạt chương trình khuyến mãi với đủ mọi chiêu thức cũng không mấy hấp dẫn, cuốn hút khách hàng.

Cuộc khảo sát chỉ ra rằng, mối quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng trong thời buổi khó khăn này là thu nhập ổn định, chi phí điện, gas, xăng không leo thang; giá lương thực, thực phẩm ổn định. Một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng dè dặt và dè sẻn chi tiêu vẫn là giá cả và chính sách giá. Biến động giá cả liên tục trong thời gian qua, rõ ràng đã đảo lộn thói quen sinh hoạt, mua sắm của không ít gia đình. Những người tiêu dùng có khả năng mở “hầu bao” nhiều nhất là tầng lớp có thu nhập trên trung bình, trong đó có những người đang nộp thuế thu nhập cá nhân. Để kích thích sản xuất, theo một số chuyên gia kinh tế, Nhà nước không thể không tính đến việc kích cầu tiêu dùng, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân để thu nhập thực tế của người dân tăng lên. Việc miễn, giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân sẽ có tác động trực tiếp vào tăng sức mua, tăng cầu tiêu dùng để kích thích sản xuất. Còn nhớ, 5 tháng cuối năm 2011, Quốc hội cũng đã ra nghị quyết cho miễn thuế thu nhập cá nhân đối với những người có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng.

Cải thiện tâm lý người tiêu dùng cần được quan tâm như một cách để “giải cứu” doanh nghiệp. Một chương trình kích thích người tiêu dùng, đặt biệt là sự ổn định và minh bạch trong điều hành chính sách giá thời gian tới, chính là để vực dậy niềm tin của người tiêu dùng.