Kịch bản và lộ trình mở cửa, phục hồi du lịch Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - UBND TP Hà Nội ban hành hành Kế hoạch số 43/KH-UBND về phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong năm 2022 - 2023.

* Năm 2022, Hà Nội phấn đấu đón và phục vụ 2 triệu lượt khách quốc tế

Theo đánh giá hiện nay, Hà Nội cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, trong đó toàn thành phố đang ở cấp độ dịch 2 theo hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Y tế. Thành phố đã chủ động, nỗ lực triển khai công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; Hà Nội đã cơ bản tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người trên 18 tuổi và cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi - đây là cơ sở để thành phố thích ứng an toàn, linh hoạt đối với hoạt động du lịch.

2 giai đoạn thực hiện mở cửa, phục hồi du lịch

Kịch bản và lộ trình mở cửa, phục hồi du lịch Hà Nội được thực hiện theo 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 (quý I và II-2022): Tổ chức các hoạt động đón và phục vụ khách du lịch tại các tỉnh, thành phố trong cả nước gắn với quy trình kiểm soát phòng, chống dịch an toàn. Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực, điều kiện để đón khách du lịch quốc tế khi được Chính phủ cho phép. Các hoạt động du lịch được tổ chức theo các quy định cấp độ dịch của thành phố. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ giảm quy mô và phạm vi của các loại hình hoạt động phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh.

- Giai đoạn 2 (từ quý III-2022): Dự kiến khôi phục tất cả hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi của các hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Triển khai kế hoạch đón khách du lịch quốc tế theo lộ trình mở cửa đón khách du lịch quốc tế của Chính phủ, tập trung vào các thị trường du lịch trọng điểm, có độ bao phủ vaccine cao và kiểm soát tốt dịch bệnh.

Để thực hiện tốt kế hoạch đề ra, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Du lịch và các sở, ngành liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: Triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn tại các điểm đến, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch theo các quy định. Tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn, trong đó chú trọng nâng cấp chất lượng sản phẩm, điểm đến gắn với di sản - di tích làng nghề. Đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác tour truyền thống.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến phố du lịch ẩm thực, tuyến phố đi bộ theo chủ đề. Xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp tại một số huyện có tiềm năng, thế mạnh như Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thường Tín, Gia Lâm, Đan Phượng… Đẩy mạnh liên kết, kết nối với các tỉnh, thành phố xây dựng sản phẩm du lịch an toàn giữa các địa phương. Tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút khách du lịch. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.

UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các hoạt động đón và phục vụ khách du lịch bảo đảm tuyệt đối quy định, điều kiện về phòng, chống dịch và tiêu chí về đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch. Với lộ trình này, Hà Nội kỳ vọng sẽ từng bước phục hồi ngành Du lịch Thủ đô, tiến tới mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch trở lại bình thường trong năm 2022, phấn đấu đón và phục vụ từ 9 đến 10 triệu lượt khách, trong đó có từ 1,2 đến 2 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 27,84 - 35,84 nghìn tỷ đồng. Phấn đấu năm 2023, Hà Nội đón và phục vụ từ 12 - 14 triệu lượt khách, trong đó có 2,5-3,5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 42,78 - 55,78 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 8-2-2022 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Cụ thể, trong văn bản này, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kịp thời công bố lộ trình và triển khai mở cửa lại du lịch. Đây là nhiệm vụ Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch được giao chủ trì, nhằm triển khai mở cửa lại du lịch, gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh, đồng thời chuẩn bị công tác tổ chức SEA Games 31 cũng như chỉ đạo các địa phương tổ chức sự kiện này.

Khơi thông “hành lang du lịch an toàn”

Điều quan trọng nhất đối với Hà Nội nói riêng và các địa phương nói chung là phải tập trung vào các dịch vụ, quy trình đón khách bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời phải có sự liên kết chặt chẽ với các đơn vị cung ứng dịch vụ, trong đó có hàng không, vận chuyển, lữ hành... Các đơn vị kinh doanh du lịch trong việc xây dựng thêm sản phẩm mới, tăng tính trải nghiệm cho du khách; đồng thời lên kế hoạch tổ chức, quảng bá các sự kiện để thu hút khách trong nước và quốc tế, như lễ hội áo dài, lễ hội ẩm thực, lễ hội quà tặng…

Thực tế, muốn phục hồi du lịch thì Hà Nội cũng như các địa phương khác là cần có sự phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch Việt Nam, Sở Y tế địa phương để xây dựng, ban hành bộ tiêu chí thống nhất về du lịch an toàn. Khi các điểm đến có bộ tiêu chí chung, có đầu mối chung và triển khai kích cầu du lịch, doanh nghiệp, các đơn vị tiếp cận theo đầu mối chung này sẽ đỡ lúng túng. Khách du lịch cũng có thể chủ động cập nhật thông tin, tình hình về du lịch địa phương qua cổng thông tin quy định sẵn…

Xung quanh việc phục hồi du lịch Thủ đô, hiện nay, nhiều khu, điểm di tích văn hóa, lịch sử đã triển khai làm mới các sản phẩm du lịch trên cơ sở các sản phẩm du lịch truyền thống của đơn vị, tạo hiệu ứng và tiếng vang rất tốt như các tour du lịch đêm “Đêm thiêng liêng - sáng ngời tinh thần Việt”, “Sống như những đóa hoa” của Khu di tích nhà tù Hỏa Lò; “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Nhiều điểm đến vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng đang chuẩn bị đưa vào các sản phẩm du lịch mới, độc đáo như Tây Hồ với sản phẩm “Hà Nội 12 mùa hoa”, dịch vụ bay dù lượn tại Chương Mỹ; Bảo tàng Dân tộc học với các hoạt động trải nghiệm văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số và các ngày Lễ hội trong năm, Lễ hội “Hoa Dã Quỳ” ở Vườn Quốc gia Ba Vì…

Các đơn vị lữ hành cũng đang xây dựng các tour du lịch, caravan khép kín trên các cung đường xanh, điểm đến xanh... Ngoài ra, các đơn vị khu, điểm du lịch còn tích cực ứng dụng công nghệ 3D, thực tế ảo… trong phát triển sản phẩm du lịch mới nhằm đưa ra các sản phẩm du lịch độc đáo, trực tuyến, không tiếp xúc. Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám ứng dụng công nghệ 360 độ số hóa bia tư liệu, tài liệu lịch sử. Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo để tổ chức các chương trình triển lãm, nghệ thuật trực tuyến… Các cơ sở lưu trú cũng đang tích cực ứng dụng công nghệ trong hoạt động đặt phòng và khai báo y tế.

Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đề xuất từ ngày 31-3 mở hoàn toàn du lịch quốc tế, gồm đón khách quốc tế đến Việt Nam và đưa khách Việt Nam ra nước ngoài. Hiện, Việt Nam đã hoàn thành tiêm chủng vaccine Covid-19 mũi 3, đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Trước đó, tại cuộc họp đầu tiên của Thường trực Chính phủ trong năm mới Nhâm Dần ngày 3-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các đơn vị chuẩn bị mở cửa du lịch an toàn càng sớm càng tốt, chậm nhất là dịp 30-4 và cố gắng từ cuối tháng 3-2022. Theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt, từ nay đến 30-3, Việt Nam tiếp tục thực hiện chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế giai đoạn 2 (có đề xuất thêm các địa phương đã tiêm vaccine mũi 3 và vùng xanh). Bên cạnh đó, du khách cũng được đề nghị xét nghiệm tại cơ sở lưu trú, đến các địa điểm du lịch đang mở cửa mà không phân biệt với khách nội địa.