Khủng hoảng năng lượng châu Âu liệu có đưa Anh vào khủng hoảng kinh tế toàn diện?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khủng hoảng năng lượng ở Anh với giá khí đốt và điện tăng cao, có thể dẫn tới khủng hoảng kinh tế toàn diện, mà nguyên nhân chủ yếu là do Nga không cung ứng đủ khí đốt sang châu Âu.

Giới truyền thông ở Anh đã bắt đầu nói về một thảm họa quốc gia vì sự nghi ngại đối với Nga. Tờ báo The Telegraph dẫn lời hàng loạt chuyên gia kinh tế Anh cho biết, một cuộc khủng hoảng kinh tế quy mô lớn đã được công bố ở nước này do giá khí đốt tăng mạnh.

Bài báo cho biết, các giám đốc điều hành từ các công ty năng lượng của Anh là EDF, Good Energy và Energy UK yêu cầu chính quyền London có hành động đối với việc chi phí nhiên liệu tăng cao đang đẩy ngành công nghiệp của nước này đến bờ vực thảm họa.

Giám đốc điều hành của Good Energy là ông Nigel Pocklington cho biết, đây là cuộc khủng hoảng tầm cỡ quốc gia, khi giá khí đốt và điện bán buôn tăng lên mức chưa từng có trong ba tuần qua.

Khủng hoảng kinh tế Anh chủ yếu xuất phát từ khủng hoảng năng lượng, do Nga hạn chế nguồn cung khí đốt sang châu Âu?
Khủng hoảng kinh tế Anh chủ yếu xuất phát từ khủng hoảng năng lượng, do Nga hạn chế nguồn cung khí đốt sang châu Âu?

Còn đại diện của công ty EDF đã gọi tình hình năng lượng ở Anh trong mấy tuần qua là “rất nguy cấp” và sẽ tồi tệ hơn trong thời gian ngắn tới.

Theo người phát ngôn của công ty EDF là Philippe Kommare, đây mới chỉ là bước khởi đầu và tình hình sẽ còn xấu đi. Trong khi các nhà cung cấp đang cố gắng hỗ trợ cho người tiêu dùng, những thách thức mà ngành công nghiệp phải đối mặt là quá lớn.

Nhà phân tích Martin Young từ Investec cũng dự đoán giá điện cũng sẽ nối gót giá gas tăng vọt lên 56%.

Chuyên gia này chi ra, hiện nay mỗi hộ gia đình có thu nhập trung bình ở Vương quốc Anh phải trả 1277 bảng một năm (38,4 triệu đồng) cho năng lượng, nhưng vào tháng 4 năm 2022, khoản thanh toán có thể sẽ tăng vọt lên tới 2000 bảng Anh (65,5 triệu đồng).

Sau khi bày tỏ sự lo ngại về cuộc khủng hoảng năng lượng ở Anh và châu Âu, các chuyên gia năng lượng Anh đều cho rằng, gia nhiên liệu tăng phi mã chủ yếu xuất phát tự việc nguyên liệu thô đang trở nên đắt đỏ hơn, do “Nga không tăng nguồn cung sang châu Âu”.

Trong khi đó, châu Âu với những quy định ngặt nghèo và áp đặt tư duy chính trị trong kinh tế đã ngăn chặn cấp phép cho dự án cung cấp khí đốt của Nga mang tên “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2) có công suất lên tới 55 tỷ mét khối mỗi năm, cho tới tận nửa cuối năm 2022.

Trong bối cảnh châu Âu đang sa vào cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong lịch sử, việc đình chỉ cấp giấy chứng nhận cho dự án của Nga đã dẫn tới những hậu quả khôn lường, đẩy giá khí đốt lên cao kỷ lục trong lịch sử, kéo tụt đà phục hồi kinh tế của châu Âu.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi những cáo buộc chống lại Moscow do cuộc khủng hoảng nhiên liệu ở châu Âu là vô nghĩa.

Người đứng đầu nhà nước Nga chỉ ra, thị trường năng lượng đang lên cơn sốt do một số nguyên nhân: Thời tiết không thuận lợi, các trang trại điện gió hoạt động kém hiệu quả trong năm nay và lượng khí dự trữ không đủ trong các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất trên “Lục địa già”.

Putin nhắc lại, ông đã nhiều lần đề nghị Brussels ký các hợp đồng dài hạn về việc cung cấp nguyên liệu thô để duy trì sự ổn định nguồn cung; tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) nhấn mạnh vào việc định giá năng lượng theo thị trường, điều này cuối cùng đã dẫn đến cuộc khủng hoảng.