Không tự nhiên mà có

ANTĐ - Tôi đang chọn mấy củ khoai tây và chờ gọt. Bỗng tôi chú ý tới câu chuyện của cô bán hàng rau với khách. 

- Từ bé, con em vẽ đẹp lắm. Một hôm, cháu đi học về, đưa bài kiểm tra được điểm 10. Đầu bài là “Vẽ đề tài tự chọn”. Cháu vẽ trường học, có học sinh đi lại tung tăng. Có cỏ cây hoa lá. Có bầu trời trong xanh. Cháu vẽ rất dễ hiểu. Còn vợ chồng em chợ búa tối ngày, chẳng có thời gian, chẳng có kiến thức mà bảo ban kiểm tra cháu học. Mọi người bảo cháu có hoa tay. 

Tôi cười, xen vào: 

- Đúng, cháu có hoa tay và còn có chí nữa. Thế bây giờ cháu đang học gì?

- Con em học kiến trúc. 

Cô nói từ kiến trúc một cách gọn gàng và vẫn cúi xuống nhặt rau cho khách. Nhưng tôi hiểu, mắt cô lấp lánh, miệng cô cười. Tôi nói thêm và biết cô  hàng rau đang rất vui:

- Chúng nó giỏi giang, sau này biết đâu bố mẹ được nhờ.

Bên cạnh nhà tôi có một đôi vợ chồng: anh là y sĩ, chị là giáo viên. Cuộc sống rất bình dị. Nhưng anh chị có hai con đều vào đại học. Cháu trai: Bách khoa. Cháu gái: Ngoại ngữ. 

Cổng trường đại học luôn luôn rộng mở chào đón những người trẻ có chí, có tài, có tư cách. Nhưng tôi biết có một số gia đình khá giả, đầu tư cho con cái rất chu đáo: trường này, trường khác, cô nọ, thầy kia, chẳng ngại tốn kém, vất vả. Nhưng những “cậu ấm, cô chiêu” này, mấy năm liền, không vào nổi đại học. Vì một lẽ đơn giản, một lẽ thường tình: những người trẻ ấy thiếu trách nhiệm, không “dùi mài kinh sử”,  không tu chí học hành. Chung quy cũng tại chúng nó thiếu động lực phấn đấu.

Không có cái gì tự nhiên mà có cả, và không phải cuộc sống nhung lụa nào cũng tạo nên những hạt giống tốt. Các cụ ta đã dạy: phải “Có công mài sắt” mới “có ngày nên kim” Các con tôi giờ đã trưởng thành, làm bố làm mẹ cả rồi, nhưng tôi vẫn nhắc chúng nó rằng: Ngày trước nghèo khó hơn bây giờ, rau cháo nuôi nhau, học trường làng, thế mà con cái vẫn nên người đấy thôi!