Không thể “thả nổi” dự án thu hồi đất

ANTĐ - Ngày 4-3, Thường trực HĐND - UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Hội nghị có sự tham gia của nhiều vị nguyên lãnh đạo thành phố và cán bộ chủ chốt các sở ngành, quận huyện.

Nguyên Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn: Không quy định rõ “UBND do HĐND bầu” là hợp lý

Liên quan tới vấn đề thu hồi đất, dự thảo quy định, Nhà nước thu hồi đất có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật sự cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Không đồng tình quy định này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phùng Văn Thiệp kiến nghị bỏ cụm từ “các dự án phát triển kinh tế - xã hội”. Ông phân tích: “Cụm từ này dễ bị lợi dụng, gây bức xúc. Một số dự án hiện nay có dáng dấp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân chứ không vì cộng đồng”. Ông Nguyễn Trọng Tỵ, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cũng cho rằng, nên bỏ đoạn “các dự án phát triển kinh tế, xã hội”. Ông nói: “Dự án nào giờ chẳng “khoác áo” kinh tế - xã hội. Như vậy, mọi dự án trên đời đều thoải mái được quyền thu hồi đất hay sao? Trong khi đó, quyền sử dụng đất của người dân phải được Nhà nước bảo hộ.”

Khẳng định việc giữ Điều 4 như dự thảo Hiến pháp là “cần thiết, đúng đắn, chính xác”, ông Nguyễn Trọng Tỵ lý giải: “Nhất thiết phải duy trì Điều 4. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng đã đứng mũi chịu sào, hy sinh biết bao xương máu vì dân tộc, xây dựng đất nước ngày càng tiến bộ. Hiện nay, không có lực lượng, tổ chức nào xứng đáng với vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội như Đảng Cộng sản Việt Nam”. Rất tâm đắc với quy định “Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình”, ông Nguyễn Trọng Tỵ cho rằng, cần có luật về Đảng. Cũng thống nhất cao với việc giữ Điều 4 và bổ sung thêm một số điểm như dự thảo, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn lại cho rằng, đây chưa phải thời điểm cần xây dựng luật về hoạt động Đảng. Ông cho rằng, chỉ cần quy định, các tổ chức Đảng và Đảng viên chấp hành Hiến pháp và pháp luật là đủ. 

Về tổ chức chính quyền, nguyên Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cũng cho rằng, dự thảo không quy định rõ “UBND do HĐND bầu” là hợp lý. Bởi, thực tế hiện nay đang thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Nếu vẫn giữ quy định “UBND do HĐND bầu” sẽ rất vướng khi triển khai chủ trương này. Có quan điểm khác, ông Phạm Lợi, nguyên Chủ tịch UB MTTQ TP Hà Nội cho rằng, dự thảo phải nói rõ “UBND là do HĐND bầu ra” và “Chủ tịch UBND và các thành viên UBND phải chịu trách nhiệm cá nhân trước HĐND”.

Từ góc độ người hoạt động lâu năm ở HĐND TP, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Quang Nhuệ cho rằng, phần nói về chính quyền địa phương của dự thảo Hiến pháp quá sơ lược. Theo những gì viết trong dự thảo thì vai trò của HĐND là mờ nhạt, vai trò của ĐB HĐND là không quan trọng. Nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP đề nghị, quy định về ĐB HĐND phải tương tự như phần nói về Quốc hội và ĐB Quốc hội. Ông nói: “Đành rằng sau này sẽ có luật để làm rõ hơn nhưng quan điểm cơ bản phải rõ ngay từ Hiến pháp, nếu không sau này lại mất công tranh luận xem ai sẽ bầu UBND. Đây là việc rất quan trọng bởi mọi chính sách pháp luật muốn đi vào cuộc sống được đều phải nhờ chính quyền địa phương”.

Trong bối cảnh thời sự hiện nay, ông Lê Quang Nhuệ rất quan tâm tới các quy định trong dự thảo Hiến pháp nói về chính sách ưu đãi cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ông nói: “Bảo vệ, giữ gìn biên cương Tổ quốc luôn là vấn đề đặc biệt quan trọng. Từ hàng nghìn năm nay, dân tộc ta luôn coi đây là việc hệ trọng bậc nhất. Một trong những điều kiện cơ bản nhất để có thể làm tốt việc này là phải dành sự quan tâm tới đồng bào dân tộc đang sống ở nơi phên dậu Tổ quốc. Phải dành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống cho đồng bào, nhất là ở khu vực biên giới. Chúng ta phải bớt ăn, bớt tiêu đi để đời sống đồng bào khấm khá hơn lên. Cần dành nhiều ưu tiên hơn nữa cho đồng bào và phải ghi rõ vào Hiến pháp”.