Không thể phủ nhận mục tiêu xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Xây dựng kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là vấn đề quan trọng, luôn được sự quan tâm của dư luận. Nhưng đây cũng là chủ đề mà các thế lực thù địch, chống phá Việt Nam và một số cá nhân có quan điểm sai trái luôn tìm cách phủ nhận, chống phá.

Phát triển KTTT định hướng XHCN đã giúp Việt Nam đạt nhiều thành tựu về kinh tế

Phát triển KTTT định hướng XHCN đã giúp Việt Nam đạt nhiều thành tựu về kinh tế

Những lập luận xuyên tạc, không có cơ sở

Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng trong phần định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 có đặt mục tiêu: “Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh”. Dự thảo Báo cáo chính trị cũng chỉ rõ nền KTTT định hướng XHCN Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển.

Tuy vậy, lâu nay, các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị ở cả trong nước và nước ngoài thường xuyên xuyên tạc rằng, không có nền kinh tế nào là nền KTTT định hướng XHCN. Chúng cho rằng chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường không thể dung hợp với nhau bởi các quy luật của KTTT và định hướng XHCN là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau. Chính vì thế, chúng xuyên tạc rằng việc ghép định hướng XHCN vào KTTT là sự gán ghép chủ quan, duy ý chí, không có cơ sở khoa học, không thuyết phục, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn, chẳng khác nào trộn dầu vào nước, tạo ra một cơ thể “đầu Ngô mình Sở”. Từ đó, chúng kết luận Việt Nam phải từ bỏ việc xây dựng nền KTTT định hướng XHCN, vì nền KTTT kiểu này là không hề tồn tại và xây dựng nền KTTT thực chất là đang đi theo con đường của chủ nghĩa tư bản. Thậm chí có kẻ còn cho rằng, nếu bỏ, không có cái đuôi “định hướng XHCN”, thì kinh tế đất nước còn phát triển nhanh hơn, kết quả đạt được còn lớn hơn.

Một hướng chống phá khác của các thế lực này là nhằm vào “vai trò chủ đạo” của kinh tế nhà nước mà Đảng ta đã xác định. Chúng lập luận rằng đã coi nền KTTT định hướng XHCN Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế mà lại xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là có sự phân biệt đối xử, không thể bình đẳng. Do đó, không thể có KTTT thật sự, KTTT theo thông lệ quốc tế.

Một số đối tượng thì chỉ dựa vào một số những yếu kém, hạn chế của doanh nghiệp nhà nước mà cho rằng, thành phần kinh tế nhà nước không thể giữ vai trò chủ đạo. Từ đó, chúng khuyên Việt Nam nên bỏ cụm từ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, thậm chí đòi xóa bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, đòi tư nhân hóa hết doanh nghiệp nhà nước...

Số đối tượng khác thì đề cao quá mức, dẫn đến tuyệt đối hóa kinh tế tư nhân. Trong điều kiện hiện nay, khi có tới 98% doanh nghiệp thuộc kinh tế tư nhân có quy mô vừa và nhỏ, trong đó doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ (sử dụng dưới 5 lao động và vốn kinh doanh dưới 10 tỷ đồng) chiếm tỷ trọng đáng kể (96%), thế mà họ đòi phải đặt kinh tế tư nhân là “nền tảng” của nền kinh tế, gán cho nó '”vai trò chủ đạo”- vai trò mà bản thân nó không thể đảm nhận nổi.

Bước phát triển về tư duy lý luận, sự vận dụng độc lập, sáng tạo của Đảng ta

Có thể nói những quan điểm nêu trên là những cách nhìn phiến diện, thiếu thực tế. Lựa chọn mô hình KTTT định hướng XHCN không phải là sự gán ghép chủ quan giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội, mà là sự nắm bắt và vận dụng xu thế vận động khách quan của kinh tế thị trường trong thời đại ngày nay. Đây là bước phát triển mới về tư duy lý luận, một sự vận dụng độc lập, sáng tạo của Đảng ta. Trên cơ sở nhận thức tính quy luật phát triển của thời đại và sự khái quát, đúc rút từ kinh nghiệm phát triển KTTT, đặc biệt là từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và ở Trung Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam để đưa ra chủ trương phát triển nền KTTT định hướng XHCN, nhằm sử dụng KTTT để thực hiện mục tiêu từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Có lẽ, không có gì thuyết phục hơn với những kết quả trong việc phát triển KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam những năm qua. Qua gần 35 năm đổi mới, đất nước ta đã phát triển nhanh chóng. Từ chỗ nghèo nàn, lạc hậu do hậu quả của thời kỳ là thuộc địa, nông nghiệp lúa nước là chủ đạo, bị chiến tranh tàn phá mấy chục năm và một phần do những sai lầm của cơ chế quản lý kinh tế tập trung, bao cấp, hiện nay kinh tế nước ta đã vươn lên thành một trong những nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực, có độ mở lớn hàng đầu thế giới và cũng có tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới.

Chỉ xin nêu một vài dẫn chứng. Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 500 tỷ USD, trong đó xuất siêu hơn 10 tỷ USD. Con số này bằng tổng kim ngạch của toàn bộ các nước châu Phi trong năm 2019 cộng lại. Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, năm 2019 kinh tế Việt Nam lần đầu tiên vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới, vị trí 67/141 nền kinh tế được xếp hạng (tăng 10 bậc so với năm 2018), xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư (tăng 15 bậc so với năm 2018).

Đáng chú ý là ngay cả khi kinh tế thế giới gặp khó khăn, thậm chí suy thoái, thì kinh tế Việt Nam vẫn nằm trong tốp những nước tăng trưởng tốt nhất. Trong 2 năm 2018, 2019, mặc dù kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng hơn 7%. Cũng vì thế, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra nhận định: “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam”. Hay như hiện nay, khi kinh tế toàn cầu chao đảo vì Covid-19, các nền kinh tế nhìn chung đều suy thoái, tăng trưởng âm, thì WB vẫn lạc quan dự báo kinh tế Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020 (tăng trưởng khoảng 2,8%) và có thể lên mức 6,8% trong năm 2021.

Có thể khẳng định đổi mới tư duy kinh tế về xây dựng nền KTTT định hướng XHCN là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Nó đã giúp nền kinh tế Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt, tăng vai trò uy tín nước ta trên trường quốc tế, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Thành công đó là do phát triển nền kinh KTTT có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHXN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là vì lợi ích của đại đa số nhân dân, hướng vào con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, mọi người được tham gia và mọi người được hưởng lợi.

Đây cũng chính là thuộc tính nhân văn của nền kinh tế, đặc trưng riêng có của nền KTTT định hướng XHCN Việt Nam. Nó tạo cho chúng ta niềm tin để kiên định con đường đã chọn: Phát triển KTTT định hướng XHCN nhằm xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; đồng thời đặt yêu cầu hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN thành nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị.