PGS.TS Lương Hồng Quang – Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam

Không thể phó mặc lễ hội cho cộng đồng

ANTĐ - Đã đến lúc cần thể hiện quyền lực của cơ quan quản lý Nhà nước để không còn cảnh bát nháo trong lễ hội.

Không thể phó mặc lễ hội cho cộng đồng  ảnh 1
Cần điều chỉnh cho phù hợp với xã hội hiện đại

- PV: Thưa ông, suốt từ đầu mùa hội đến giờ, chúng ta đã chứng kiến quá nhiều lộn xộn, ồn ào. Có ý kiến cho rằng, sở dĩ ngập tràn lễ hội là bởi chúng ta đang lúng túng về mặt lý luận?

- PGS.TS Lương Hồng Quang: Chúng ta đang trong xu hướng “Di sản hóa”, xu hướng này là tổng kết của một học giả người Anh. Ở các nước đang phát triển, họ tận dụng xu hướng này để khuếch trương giá trị di sản, sử dụng di sản như một phần của xã hội đương đại, nhấn mạnh khía cạnh thương mại và kinh tế phục vụ du lịch. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này... Quá trình “Di sản hóa” giúp cộng đồng nhận thức di sản, bảo vệ phát huy gắn với phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, mặt tiêu cực của xu hướng này là việc ngộ nhận về di sản quá lớn, hoành tráng hóa di tích lễ hội, khai thác quá mức, dẫn đến sự hỗn loạn, tranh cướp nhau đến vỡ đầu chảy máu, ngất xỉu… Vì thế, đã đến lúc phải đánh giá vấn đề lý luận của quá trình di sản hóa, để có điều chỉnh phù hợp. 

- Ngay trong giới nghiên cứu hiện cũng có nhiều quan điểm trái ngược nhau về phục dựng lễ hội?

- Phải nói thẳng ra rằng, các nhà nghiên cứu cũng góp phần thổi phồng lễ hội một cách có ý thức và không ý thức. Quá nhiều lễ hội hoành tráng ra đời, khi phục dựng xa rời yếu tố gốc, và đưa những yếu tố mới không phù hợp. Quan điểm của tôi là đi theo hướng bảo tồn phát triển nghĩa là  nhấn mạnh đến việc sử dụng và khai thác hợp lý yếu tố văn hóa truyền thống để phục vụ đời sống đương đại. Lễ hội bây giờ khác xưa quá nhiều. Xưa làm gì có bãi xe, làm gì có cả nghìn cảnh sát, lực lượng vũ trang được điều ra bảo vệ lễ hội. Lễ hội xưa chỉ dành cho người già khi tham gia việc làng hoặc nam giới trong làng, phụ nữ cấm đến hội. Tuy nhiên, cũng cần đưa những yếu tố phù hợp đặc biệt là những yếu tố về mặt quản lý: cơ sở vật chất, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm để quản lý tốt hơn lễ hội truyền thống. Còn ý nghĩa  văn hóa của lễ hội cần giữ nguyên gốc. Cũng cần phải nói thêm là lễ hội cũng đầy rẫy hủ tục. Có cái nguyên gốc hủ tục, có cái trong bối cảnh mới không còn phù hợp nên bỗng dưng thành hủ tục. Như chém lợn chẳng hạn. Bản thân hành động này là hiến sinh, nhưng giờ nhìn cảnh đó ai cũng sợ.

- Rất nhiều nhà khoa học đã đưa ra giải pháp nên trả lễ hội về với cộng đồng?

- Tôi là người viết cuốn sách về vai trò cộng đồng, nhưng nói thật là cộng đồng bây giờ loạn quá trong khi chủ thể thì thiếu hiểu biết về văn hóa truyền thống. Nếu trả lễ hội để cộng đồng tự quản thì loạn hơn. Tôi không cổ súy chuyện cái gì Nhà nước cũng phải đứng ra chủ trì nhưng cũng không thống nhất việc phó mặc cho cộng đồng. Việc cần thiết là tìm ra mô hình quản lý phù hợp. 

- Để lễ hội tồn tại trong xã hội hiện đại cần điều chỉnh những gì không phù hợp?

- Tôi đồng ý với TS Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo về đề xuất đốt mã thay cho hiến sinh. Lễ hội cũng giống hiện tượng văn hóa khác, chịu 2 luồng tác động. Bản thân giá trị văn hóa truyền thống bị xã hội đương đại thách thức và nó phải điều chỉnh. Chẳng hạn như ở lễ hội chém lợn, người ta có thể quây lại, nghi lễ kín đáo, như thế vừa không có hình ảnh chết chóc, vừa thiêng hóa. Thực ra, lễ hội chém lợn làng Ném Thượng ra đời, cũng không mang tính man rợ, bởi khi đó xã hội chưa văn minh thì các tục hiến sinh nhiều lắm. Nhưng khi xã hội văn minh nghi lễ này buộc phải giảm dần.

Không thể phó mặc lễ hội cho cộng đồng  ảnh 2Đã đến lúc cần thể hiện quyền lực của cơ quan quản lý để lễ hội không còn những cảnh hỗn loạn như thế này (Giẫm đạp, đánh nhau trong hội cướp phết cầu may - Phú Thọ)

Ẩu đả trong lễ hội là không thể chấp nhận được

- Có vẻ như chúng ta lạm dụng từ cướp, nào cướp lộc, cướp ấn, cướp lương, cướp phết… Đó là bản chất lễ hội hay biến tấu?

- Đó là biến tấu chứ, “cướp” là từ hiện đại. Xưa thì dùng từ “tranh”. Hội làng trước đây chỉ có người lớn tuổi và đàn ông được tham gia. Tham gia việc làng là phải chín chắn, họ có tranh cũng rất nề nếp, quy củ, trật tự… bởi khi đi hội họ luôn nhớ trong lòng một chữ: “kính”. Giờ người người đi hội, tâm lý có “kính” ai đâu. Ăn thua đủ, miễn là mình phải hơn người khác, làng mình hơn làng khác. Hành vi ẩu đả ở lễ hội là điều không chấp nhận được.

- Vậy về lâu về dài có nên tồn tại hành vi này không thưa ông?

- Không bởi nó không phù hợp. Làm gì có thứ văn hóa nào vụt nhau đến tóe máu ra đâu. Tháng 4 mà về hội đền Gióng ở Gia Lâm bạn sẽ thấy người ta tranh cướp nhau lộc thánh rất ác liệt. 

- Quan điểm của Bộ VH-TT&DL trong thời gian tới, nếu lễ hội nào để xảy ra bạo lực trong quá trình hành lễ sẽ bị dừng tổ chức. Ông có đồng tình?

- Đó là quan điểm rất xác đáng. Đã đến lúc cần phải thể hiện quyền lực của nhà quản lý đối với các hoạt động lễ hội. Nên lược bỏ những nghi lễ không phù hợp với chuẩn xã hội hiện đại.

- Chúng ta đang có hàng nghìn lễ hội trong một năm. Vậy có nên giảm tần suất tổ chức không?

- Xã hội ta đang quá mê tín, cúng lễ tràn lan. Cúng bái nhiều, vịn vào thần thánh nhiều thành ra có cảm giác, con người ở xã hội này mất tự tin, dựa dẫm vào Thần, Thánh nhiều quá. Chúng ta phải quyết định hành động của chúng ta. Vì thế, rất nên giãn cách thời gian tổ chức lễ hội, xét cái nào phù hợp thì gìn giữ, không thì bỏ đi.. 

- Nhưng nếu áp đặt địa phương 5 năm hay 10 năm tổ chức lễ hội một lần chắc hẳn sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách địa phương?

- Vấn đề ở đây là chính sách quản lý vĩ mô cùng quyết tâm chính trị của nhà quản lý. Lễ hội Gióng từ xưa đã có loạn đả, cướp phết cũng thế, sở dĩ ngày xưa không ầm ĩ là bởi truyền thông chưa phát triển. Giờ chúng ta sống trong xã hội truyền thông, làm sao mà giấu mãi được. Vì thế, cần tìm ra giải pháp cân bằng giữa vai trò nhà nước, vai trò của chủ thể văn hóa, của các nhà quản lý và cần nghiên cứu các lễ hội truyền thống trên một cách toàn diện có cơ sở lý luận và thực tiễn.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!