Không thể chứng minh trách nhiệm thuộc về ai sau thảm kịch tại lễ hội âm nhạc Loveparade ở Đức

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 24-7-2010, 21 nam nữ người Đức, Australia, Trung Quốc, Ý, Hà Lan và Tây Ban Nha đã mất mạng khi dự lễ hội âm nhạc Loveparade ở thành phố Duisburg, bang North Rhine - Westphalia phía Tây nước Đức. Ai chịu trách nhiệm cho thảm kịch này trong khi Đức là một đất nước có tiêu chuẩn an toàn cao? Một bộ phim tài liệu mới đây đã làm sáng tỏ câu chuyện đau buồn này.

Không thể chứng minh trách nhiệm thuộc về ai sau thảm kịch tại lễ hội âm nhạc Loveparade ở Đức ảnh 1Cảnh sát không thể kiểm soát được đám đông đi qua đoạn đường hầm dẫn đến khu vực lễ hội Loveparade năm 2010

Phiên tòa xét xử vụ việc được mở từ năm 2017, trong đó 6 quan chức thành phố và 4 thành viên ban tổ chức lễ hội bị buộc tội bất cẩn ngộ sát và gây thương tích. Ngoài ra, 60 gia đình nạn nhân cũng tới dự. Phiên tòa đông đến mức phải chuyển từ Tòa án khu vực ở Düsseldorf đến phòng triển lãm của thành phố, nhưng kết thúc phiên xử vào tháng 5-2020, không có phán quyết nào được đưa ra. Tòa án cho biết các bị cáo chỉ bị nghi ngờ phạm tội nhẹ và vụ án khó có thể mở lại khi đã hết thời hiệu. Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, việc sắp xếp thời gian biểu để xử án lại càng khó khăn.

Đúng dịp 10 năm ngày xảy ra thảm kịch, bộ phim tài liệu mới “Loveparade - Phiên xét xử” đã được phát hành. Đạo diễn phim Dominik Wessely và nhà biên kịch Antje Boehmert đã tham dự tất cả 184 ngày tố tụng. Họ đã phỏng vấn các nạn nhân, thẩm phán, công tố viên, luật sư bào chữa, nhân chứng cho đến bị cáo để đưa ra một cái nhìn đa diện về nỗ lực pháp lý nhằm làm rõ sự thật và trách nhiệm trong sự việc này.

Nỗi đau người ở lại

Trở lại với ngày 24-7 năm đó, nhiều người đi qua một đường hầm dẫn vào địa điểm tổ chức lễ hội trên một sân ga cũ. Đó là lối vào và cũng là lối ra duy nhất, mà sau này trở thành nút cổ chai gây chết người. Rất đông người, trong đó có cả người dân, nhân viên cấp cứu, cảnh sát có mặt ở đó. Thấy quá đông người vào dự lễ hội, cảnh sát ở lối ra của đường hầm dùng loa hướng dẫn những người mới đến quay lại, trong khi mọi người từ phía sau tiếp tục đẩy đoàn người đứng trước vào không gian chật hẹp.

Trong số này, Christian người Đức 25 tuổi, Clara người Tây Ban Nha 22 tuổi và Giulia người Ý 21 tuổi cùng nhiều người khác đã bị đè đến chết. Họ chết vì nghẹt thở. “Tôi không tìm cách trả thù”, mẹ của Christian, bà Gabriele Müller nói vào ngày đầu tiên diễn ra phiên tòa, rằng bà chỉ muốn biết chuyện gì đã xảy ra để tâm mình thanh thản. 

Trong khi đó, cha mẹ của Clara, ông bà Francisco Zapater và Nuria Caminal, đã đi từ Tarragona, Tây Ban Nha đến Đức. Mỗi người đều ghim một bức ảnh con gái họ vào áo khoác khi họ bước vào ngày đầu tiên của phiên tòa. Cha của Clara đã kể với các nhà báo về ngày họ nhận được tin nhắn về cái chết của con gái mình, quá trình xác định thi thể và đưa cô ấy về nhà trong một chiếc quan tài. Lúc quá trình tố tụng diễn ra được vài tháng, ông nói rằng một phiên tòa kéo dài như vậy là “sự tra tấn thực sự, không chỉ đối với các nạn nhân, mà còn đối với các bị cáo”.

 “Nếu tội lỗi không thể chứng minh trước tòa, điều đó không có nghĩa là không có trách nhiệm đạo đức trong bi kịch ở lễ hội Loveparade năm 2010”, bà Hannelore Kraft - cựu Thủ hiến bang North Rhine-Westphalia nói trước cơ quan nghị viện bang. Bà đã đọc hết 21 tên của nạn nhân như một thông điệp gửi đến những người đã mất và sống sót rằng: “Chúng tôi đang cầu xin sự tha thứ của các bạn”.

Cha mẹ của Clara là một trong số nhiều người muốn nhìn thấy Thị trưởng Duisburg và chủ sở hữu của Lopavent, công ty tổ chức sự kiện này, đứng ở bục xét xử. Nhưng cả hai chỉ được coi là nhân chứng, từ chối mọi trách nhiệm và nhấn mạnh rằng họ không liên quan đến sự việc.

Không ai trong số các tổ chức hoặc quan chức liên quan nhận trách nhiệm về tấn thảm kịch, thay vào đó, họ buộc tội lẫn nhau: Ban tổ chức lễ hội cáo buộc cảnh sát phạm sai lầm trong kiểm soát đám đông. Người đứng đầu cơ quan nội vụ của bang North Rhine-Westphalia quản lý lực lượng cảnh sát lại “đá” toàn bộ trách nhiệm cho nhân viên an ninh và thành viên của ban tổ chức. Tuy nhiên, công chúng phẫn nộ với Thị trưởng Adolf Sauerland, bởi dường như ông nhận thấy rằng kế hoạch an ninh cho lễ hội không đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn phê duyệt đề xuất.

Sự dằn vặt của nhân chứng

Một trong những bị cáo chính của vụ việc này là ông Jürgen Dressler, người đứng đầu lĩnh vực xây dựng của thành phố Duisburg vào năm 2010. Văn phòng của ông Jürgen Dressler đã phê duyệt giấy phép để lễ hội diễn ra tại nơi từng là sân ga đường sắt vận chuyển hàng hóa của thành phố, mặc dù đã có cảnh báo sớm rằng địa điểm này sẽ không thể chứa tất cả những người thích tiệc tùng.

Ông Dressler là quan chức cấp cao duy nhất của thành phố bị đưa ra xét xử. Ông bị buộc tội cùng với 5 đồng nghiệp của mình. Chỉ đến khi những hình ảnh và video về thảm kịch được trình chiếu trước tòa, ông này mới tin đó là sự thật. “Tôi ngồi đó và khóc. Những hình ảnh cho thấy lẽ ra sự kiện đó không bao giờ nên diễn ra”, ông Dressler nhớ lại.

Người đứng đầu cơ quan xây dựng của thành phố Duisburg là 1 trong 7 bị cáo đã chấp nhận một thỏa thuận vào năm 2019 rằng họ sẽ nộp phạt để có thể gỡ bỏ tất cả các cáo buộc hình sự chống lại họ. 3 bị cáo còn lại từ chối thỏa thuận, nói rằng họ muốn được tha bổng tại tòa án. Kết quả là, tòa án đã thất bại trong việc cáo buộc trách nhiệm hình sự đối với từng bị cáo.

Khoảng 3.200 cảnh sát đã có mặt tại lễ hội Loveparade năm 2010 đó để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát đám đông. Torsten Meyer là một trong số đó. Là nhân chứng của phiên tòa, ông kể khi đó, các đường dây điện thoại và internet liên tục bị nghẽn, khiến ban tổ chức cũng khó liên lạc được với nhau, khó có thể đánh giá được sự kiện có bao nhiêu người tham dự và không thể hướng dẫn mọi người. Ông này nhớ lại, nhìn từ cầu thang xuống, chỉ thấy “đông đúc nguy hiểm, nhưng không chết người”.

Khi một nữ cảnh sát báo rằng cô nhìn thấy có người chết, Torsten Meyer cứ nghĩ là đồng nghiệp của mình nhầm. Sau đó, ông vẫn không chắc là có người tử vong hay không, bởi không nhìn tận mắt. Cảnh sát Torsten Meyer nói rằng, việc ông đứng nói trước tòa có ý nghĩa rất lớn bởi ông muốn đưa ra lời xin lỗi. “Tôi cũng đã có con và với tư cách một sĩ quan cảnh sát, tôi muốn đảm bảo để mọi người được an toàn”, ông nói. 

Sau mỗi sự kiện đông người, mọi người đều muốn về nhà nhanh nhất có thể, vì thế cảnh đám đông tắc nghẽn trong sân vận động là điều thường xuyên xảy ra. Để làm rõ hơn sự việc đã xảy ra tại lễ hội Loveparade, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm bằng cách ghi lại dòng dịch chuyển của đám đông trong một sân vận động thông thường. Ông Jürgen Gerlach - một chuyên gia an toàn đường bộ - xác nhận rằng, ngay cửa đường hầm xảy ra tình trạng nghẽn có thể đe dọa đến tính mạng của nhiều người kể cả khi cảnh sát không đứng chặn làm nhiệm vụ ở đó. Khu vực đó quây kín bằng hàng rào với lối vào và lối ra đều hẹp nên rất không phù hợp cho một sự kiện đông người như vậy, ông kết luận. 

Không thể chứng minh trách nhiệm thuộc về ai sau thảm kịch tại lễ hội âm nhạc Loveparade ở Đức ảnh 2Gia đình các nạn nhân muốn làm rõ sự thật và trách nhiệm để lòng được bình yên

Lời xin lỗi muộn màng

Vào tháng 5-2020, phiên tòa kết thúc mà không có phán quyết, tòa án đã ban hành một tài liệu dài 44 trang giải thích rằng không thể chứng minh trách nhiệm hình sự đối với bất kỳ cá nhân nào có liên quan. Công tố viên Uwe Mühlhoff cho rằng, tất cả bọn họ đều có thể cảm nhận được sự rủi ro, nhưng dù sao đi nữa, hãy giữ một “trách nhiệm mang tính đạo đức”. Ông nói rằng lễ hội đó đã thể hiện “sự vô trách nhiệm có tổ chức”, khi nhiều người tham gia vào kế hoạch, nhưng cuối cùng, hoàn toàn không rõ ai là người thực sự chịu trách nhiệm cụ thể.

Đạo diễn phim tài liệu Dominik Wessely cho biết, phiên tòa không có kết luận nên không đạt yêu cầu và khó chấp nhận. Cha mẹ của Carla hiện đang xem xét đưa vấn đề này ra Tòa án Nhân quyền châu Âu. Ngay trước ngày kỷ niệm 10 năm thảm kịch, cơ quan lập pháp bang North Rhine-Westphalia đã bỏ phiếu về tăng khoản thanh toán bồi thường cho các nạn nhân. Bên cạnh đó, một ủy ban sẽ được thành lập để đưa ra quy định về tổ chức các sự kiện lớn.

“Nếu tội lỗi không thể chứng minh trước tòa, điều đó không có nghĩa là không có trách nhiệm đạo đức trong bi kịch ở lễ hội Loveparade năm 2010”, bà Hannelore Kraft - cựu Thủ hiến bang North Rhine-Westphalia nói trước cơ quan nghị viện bang. Bà đã đọc hết 21 tên của nạn nhân như một thông điệp gửi đến những người đã mất và sống sót rằng: “Chúng tôi đang cầu xin sự tha thứ của các bạn”.