Không phải “chìa khóa vạn năng”

ANTĐ - Qua 3 tháng đầu năm, dù có nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế quý I đã cao hơn cùng kỳ năm trước (4,89% so với 4,75%). Tuy mức tăng không nhiều nhưng lạm phát đã được kiềm chế khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I này thấp hơn so với cùng kỳ. Dẫu vậy, cùng với những tín hiệu đáng mừng vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn, nếu không quyết tâm mạnh mẽ hơn thì việc hoàn thành những chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho cả năm sẽ không dễ dàng. 

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, trong phiên họp thường kỳ mới đây nhất, Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận nội dung về công ty quản lý tài sản để xử lý nợ xấu. Hiện đề án thành lập công ty đã được Bộ Chính trị thông qua về nguyên tắc, song còn nhiều nội dung cụ thể chưa tạo được lòng tin của các thành viên Chính phủ.

Một trong những mối quan tâm hàng đầu là theo dự thảo đề án, công ty này ra đời chủ yếu mới dừng ở mức xử lý nợ xấu giữa các ngân hàng với nhau. Điều mà dư luận đặt câu hỏi là tác động của công ty tới khoản nợ giữa doanh nghiệp và ngân hàng như thế nào. Chính phủ nhận thấy còn nhiều điểm cần yêu cầu Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước bàn bạc, thống nhất thêm để giải đáp một số câu hỏi mà các thành viên Chính phủ đặt ra. Chính phủ giao các Bộ làm việc nỗ lực để nghị định về công ty này sớm được ban hành, góp phần xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, Chính phủ nhắc nhở không thể ngồi chờ công ty quản lý tài sản ra đời thì nợ xấu mới được giải quyết, mà hiện nay vẫn đang được xử lý. Cũng không thể mong công ty ra đời thì toàn bộ gánh nợ xấu sẽ được tháo gỡ ngay. Ông Bộ trưởng - Chủ nhiệm nhấn mạnh, không nên quá đặt kỳ vọng vào công ty này sẽ là chiếc “chìa khóa vạn năng” giải mã được tất cả nợ xấu. Đây cũng chỉ là một trong nhóm các giải pháp xử lý nợ xấu của Chính phủ. Tương tự, đề án tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, song nhìn vào nội dung được công bố cũng không nên quá hy vọng sẽ tạo nên cú đột phá ngoạn mục.

Theo phân tích của một số chuyên gia, nội dung tái cấu trúc chỉ nhấn mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành và xác định mức độ sở hữu vốn ở các công ty thành viên. Còn các nội dung về tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp hầu như không có gì mới. Nên nhớ rằng, yếu kém của khu vực kinh tế Nhà nước không chỉ liên quan đến đầu tư ngoài ngành, mà còn tồn đọng ở những bất cập hết sức cốt lõi liên quan đến vấn đề đại diện chủ sở hữu, kiểm tra, kiểm soát. Tình trạng hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước đã được “phẫu thuật” và “hội chẩn” là căn bệnh kinh niên từ nhiều thập kỷ qua. Câu hỏi được đặt ra từ lâu là, phải chăng giám đốc, tổng giám đốc các doanh nghiệp này thiếu tầm nhìn xa nên họ không nhận ra rủi ro khi vung tay ném ra hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư dàn trải, thua lỗ? Phải chăng họ đều kém cỏi hơn doanh nghiệp tư nhân nên làm ăn luôn kém hiệu quả? Câu trả lời là không. Một chuyên gia kinh tế vĩ mô từng nói thẳng: “Doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ nhưng không một ông giám đốc nào nghèo cả”.

Như vậy, có thể thấy đề án công ty xử lý nợ xấu hay đề án tái cấu trúc, nếu chỉ tập trung vào vấn đề hệ quả, mà không xử lý triệt để cái gốc của nợ xấu cũng như nguyên nhân sâu xa gây ra yếu kém, thua lỗ của doanh nghiệp Nhà nước, thì chẳng thể hy vọng vào một viễn cảnh sáng sủa của nền kinh tế.