Không đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh

ANTĐ - Biểu quyết tại hội trường Quốc hội hôm nay (20-6), dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính đã được thông qua với 428 số phiếu tán thành, chiếm 85,77 % tổng số đại biểu.
Bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh

Sau khi thảo luận tại hội trường và tại Tổ về dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho biết, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với đề nghị Chính phủ về việc bỏ biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh.

Ngoài những ý kiến trên, có ý kiến tiếp tục đề nghị cần duy trì biện pháp này. Ý kiến khác đề nghị, nếu tiếp tục duy trì biện pháp này thì cần đưa cả người mua dâm và người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh thì mới có tác dụng. Có ý kiến đồng ý việc bỏ biện pháp này, nhưng đề nghị Nhà nước cần có biện pháp khác để quản lý các đối tượng bán dâm.
Trước những ý kiến trái chiều trên, theo UBTVQH, như đã nêu tại các Báo cáo giải trình trước đây, việc bỏ biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh là để khắc phục tình trạng mặc dù người bán dâm không có bệnh nhưng vẫn bị đưa vào cơ sở chữa bệnh. Việc đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh là không đúng với bản chất, tên gọi của biện pháp xử lý.

Hơn nữa, áp dụng biện pháp này đối với người bán dâm là quá nghiêm khắc, không phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm và không bảo đảm sự công bằng trong chính sách xử lý; hành vi của họ chưa đến mức phải áp dụng biện pháp hạn chế quyền tự do mà chỉ cần phạt tiền như đối với người mua dâm theo quy định của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm là phù hợp. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho bỏ biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh.
Tuy nhiên, theo UBTVQH, để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực từ việc không đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc, đề nghị Chính phủ, các địa phương quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ để các đối tượng này bằng việc tiếp tục đẩy mạnh các chương trình quốc gia về dạy nghề, vay vốn, tạo công ăn việc làm để tạo điều kiện giúp đỡ họ có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, hòa nhập cộng đồng; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; tăng cường thực hiện mạnh mẽ hơn các chương trình phòng, chống HIV/AIDS và chống các bệnh lây lan qua đường tình dục, trong đó có việc chữa bệnh cho những người mắc bệnh mà pháp luật quy định. Biểu quyết tại hội trường trong chiều nay, kiến nghị trên của UBTVQH nhận được sự đồng tình của 349 đại biểu trên tổng số 473 đại biểu tham gia biểu quyết. Trong đó, 108 đại biểu không tán thành, 16 đại biểu không có ý kiến.
Không đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh ảnh 1
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; tăng cường các chương trình phòng, chống HIV/AIDS và chống các bệnh lây lan qua đường tình dục, trong đó có việc chữa bệnh cho những người mắc bệnh mà pháp luật quy định. (Ảnh minh họa)
Về mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính

Theo báo cáo giải trình của UBTVQH, có ý kiến tán thành mức phạt tiền quy định trong dự thảo Luật. Có ý kiến cho rằng, mức phạt tiền tối đa 1 tỷ đồng đối với cá nhân là cao, không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, dễ phát sinh tiêu cực, đề nghị làm rõ căn cứ quy định mức phạt tiền trong dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị không nên quy định xử phạt đối với tổ chức cao hơn đối với cá nhân. Ý kiến khác đề nghị tăng mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức lên 5 tỷ đồng, thậm chí đến 10 tỷ đồng.

UBTVQH nhận thấy, mức phạt tiền tối đa quy định trong Pháp lệnh XLVPHC hiện hành là 500 triệu đồng chung đối với cá nhân, tổ chức vi phạm đã được thực hiện từ năm 2002. Để bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, trên cơ sở tổng kết thực hiện Pháp lệnh hiện hành, dự thảo Luật quy định mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 1 tỷ đồng, tăng gấp hai lần so với hiện hành.

Tuy nhiên, mức phạt cao này, theo dự thảo Luật chỉ được áp dụng trong phạm vi rất hạn hẹp đối với một số lĩnh vực, như quản lý các vùng biển, đảo, thềm lục địa, quản lý hạt nhân, chất phóng xạ, tiền tệ, ngân hàng, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường...; trong các lĩnh vực này cũng chỉ áp dụng đối với rất ít hành vi vi phạm rất nghiêm trọng sẽ bị xử phạt ở mức cao nhất, ví dụ như hành vi của người nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta để thăm dò, khai thác tài nguyên trái phép, nhưng có sử dụng các loại máy ra đa, máy phát sóng siêu âm; gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng mức phạt cao được áp dụng đối với người xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ, vàng mà không có giấy phép của Ngân hàng nhà nước.

Về việc quy định xử phạt đối với tổ chức cao hơn đối với cá nhân, UBTVQH nhận thấy, do tính chất vi phạm giữa cá nhân và tổ chức khác nhau, cụ thể là đối với cá nhân vi phạm vượt qua ranh giới hành chính sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự; còn đối với tổ chức mặc dù vi phạm nghiêm trọng, gây hậu quả rất lớn nhưng lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Xét về tính chất thì vi phạm do tổ chức thực hiện có tính chất nguy hiểm hơn, hậu quả lớn, cho nên cần quy định xử phạt đối với tổ chức cao hơn đối với cá nhân.

Cùng với việc phạt tiền, cần chú trọng áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả hoặc bồi thường thiệt hại đối với các tổ chức vi phạm, đây là các biện pháp rất có hiệu quả nhằm hạn chế các vi phạm do tổ chức gây ra. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm là 1 tỷ đồng và đối với tổ chức vi phạm là 2 tỷ đồng như trong dự thảo Luật.

Đa số đại biểu cũng nhất trí thông qua kiến nghị trên của UBTVQH.

Cuối cùng, biểu quyết tại Hội trường, dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính đã được thông qua với 428 số phiếu tán thành, chiếm 85,77 %. 

Luật này sẽ có hiệu lực từ 1-7-2013, trừ những quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án Nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực từ 1-1-2014.