Không đồng loạt giao quyền tự chủ cho các trường

ANTĐ - Ngày 26-10, Thứ Trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định vấn đề này khi trao đổi với báo chí về vấn đề được quan tâm nhất trong dự thảo Luật Giáo dục đại học sẽ được Chính phủ trình Quốc hội khóa XIII.

Thứ Trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

- Rất nhiều lãnh đạo trường ĐH hy vọng Luật Giáo dục đại học (GD ĐH) sẽ là cánh cửa cho quyền tự chủ nhằm phát huy năng lực mỗi trường. Vậy quy định trong dự thảo Luật GD ĐH có đáp ứng yêu cầu này?

- Thực tế chúng tôi cũng thấy phương pháp quản lý nhà nước đối với cơ sở giáo dục đại học chậm thay đổi, chưa phát huy mạnh mẽ sự sáng tạo của đội ngũ quản lý, nhà giáo, người học... Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho trường ĐH là yêu cầu khách quan, phù hợp với xu thế phát triển của GD ĐH vì vậy đây là một điểm mấu chốt của dự thảo Luật GD ĐH với đủ các lĩnh vực từ tổ chức tuyển sinh, xây dựng chỉ tiêu, nhân sự, tài chính, đào tạo, kiểm định chất lượng, cấp văn bằng...

- Tuy nhiên, dự thảo Luật này cũng đưa ra khá nhiều điều kiện cho các trường để được tự chủ. Vậy đồng nghĩa Bộ vẫn không hoàn toàn trao quyền này cho các trường?

- Hiện nay năng lực quản lý của các trường không đồng nhất. Khá nhiều trường hoạt động nghiêm túc, hiệu quả, nhưng cũng có trường quản lý yếu, thậm chí vi phạm quy định của ngành... Nếu giao quyền tự chủ đồng loạt cho các trường sẽ gây hỗn loạn trong hệ thống vì vậy, việc giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các trường không thể tiến hành ngay lập tức mà theo các mức độ khác nhau phù hợp với thực tế mỗi cơ sở.

- Luật Giáo dục khẳng định giá trị của bằng ĐH như nhau, không phân biệt loại hình trường nhưng trong Luật GD ĐH các trường ĐH lại được tự in ấn phôi bằng, cấp văn bằng cho người học. Vậy điều này có đảm bảo chất lượng của văn bằng này?

- Dự thảo Luật cho phép các cơ sở GD ĐH được in ấn phôi văn bằng, cấp văn bằng GD ĐH cho người học, chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo và giá trị văn bằng. Điều khác biệt này sẽ tạo nên sự cạnh tranh tự thân giữa các trường bởi chất lượng đào tạo gắn liền với tên tuổi của nhà trường thể hiện qua văn bằng cấp cho sinh viên tốt nghiệp.

- Luật GD-ĐH cũng khuyến khích các chương trình chất lượng cao, cho phép trường ĐH được thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo nhưng làm thế nào để đảm bảo người học đã đầu tư đúng chỗ?

- Đã đào tạo chất lượng cao thì phải thu học phí cao, không thể cào bằng như các chương trình đại trà khác để các trường có điều kiện phát triển năng lực đào tạo, cơ sở vật chất. Tuy nhiên để thu học phí cao, các trường phải xây dựng đề án về hệ thống đào tạo chất lượng cao. Bên cạnh đó, sinh viên không bắt buộc phải theo học chương trình này vì vậy mức học phí đưa ra các trường phải tự cân đối với chất lượng đào tạo của mình nếu không sẽ không thu hút được người học. Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra các tiêu chí thế nào là chương trình chất lượng cao để trường cũng như người học nắm được yêu cầu của chương trình, từ đó xây dựng mức học phí phù hợp.

- Rất nhiều quyền tự chủ sẽ được giao cho trường ĐH, vậy nếu xảy ra sai phạm thì liệu Bộ có xử lý được hay không?

- Bên cạnh việc đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục đại học, thì cần có chế tài để xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Dự thảo Luật GD-ĐH cũng quy định trường không còn đủ năng lực để thực hiện quyền tự chủ hoặc có hành vi vi phạm về hoạt động đào tạo như: hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế; bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, thì các quyền tự chủ sẽ bị thu hồi.