Không để tư thương lợi dụng

ANTD.VN - Đúng một tháng trước Tết Nguyên đán, giá xăng tăng mạnh nhất kể từ đầu năm nay khiến các doanh nghiệp không khỏi “choáng váng”. Mặc dù chưa tăng nhưng phí vận tải cùng giá nhiều mặt hàng thiết yếu được dự báo sẽ “té nước” theo giá xăng, bất chấp nỗ lực bình ổn giá của cơ quan chức năng.

Đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính khẳng định, liên Bộ Công Thương-Tài chính đã có tính toán, cân nhắc kỹ việc giá xăng tăng tác động đến ngân sách, người tiêu dùng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 5%. Tăng giá xăng từ trước tới nay vẫn luôn được coi là việc cực chẳng đã do phụ thuộc vào giá xăng thế giới. Song dưới con mắt của giới doanh nghiệp, tăng giá xăng vào thời điểm này là rất bất lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, bởi gây sức ép rất lớn về chi phí trong khi nhu cầu tiêu dùng, đi lại ngày càng “nóng” lên. 

Theo tính toán, xăng dầu chiếm tới 20% trong giá thành hàng hóa. Vì thế, giá xăng dầu tăng tất yếu sẽ “đánh” mạnh vào giá vận chuyển và giá cả hàng hóa. Điều đáng lo ngại là vận tải hàng hóa chủ yếu sử dụng dầu diezel, trong đợt điều chỉnh này, giá các mặt hàng dầu cũng tăng rất mạnh từ 672-761 đồng/lít, đương nhiên sẽ kéo theo giá vận chuyển tăng lên rất lớn. Hậu quả dễ thấy là người tiêu dùng sẽ phải nai lưng “cõng” giá. 

Hiện nay, các sản phẩm nông sản an toàn được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị thông qua kết nối với các cơ sở sản xuất trên khắp các vùng miền cả nước. Càng xa thì chi phí vận chuyển, cung ứng sản phẩm càng tăng khi giá xăng dầu biến động mạnh. Cái khó đối với các doanh nghiệp, công ty được giao nhiệm vụ tham gia cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường trong dịp Tết là gì? Họ không lo thiếu tiền mà chỉ lo dự trữ đủ nguồn hàng, trong khi dự báo giá một số mặt hàng nhu yếu phẩm sẽ tăng giá từ 20-30%.

Trong khi đó, hầu hết các đơn đặt hàng với các cơ sở sản xuất cung ứng vẫn chỉ nằm trên giấy, chưa thanh toán cũng chưa nhận hàng. Nay giá xăng dầu tăng ngoài dự kiến, họ sẽ thỏa thuận lại với các nhà cung cấp để mua được hàng với mức giá hợp lý; đồng thời phải tính toán cắt giảm mọi chi phí để cố gắng “kìm cương” giá cả.

Trước nỗi lo ngại có cơ sở về tình trạng “té nước” theo giá xăng, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các Sở GTVT phối hợp với các Sở Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tính toán tác động của việc tăng giá xăng dầu đến giá cước, dứt khoát dừng điều chỉnh nếu các yếu tố hình thành giá không hợp lý. Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, sẽ cố gắng “động viên” các doanh nghiệp cắt giảm mọi chi phí để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng với mức giá chấp nhận được. Không để tư thương lợi dụng tăng giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa vô tội vạ.