Không để “cò” bệnh viện nhởn nhơ

ANTĐ - Loạt bài “Sống ký sinh bệnh viện” trên An ninh Thủ đô dường như “đánh” trúng vấn đề bạn đọc quan tâm. Nhiều bạn đọc bức xúc khẳng định “cò” bệnh viện sống được là do sự dung túng của các bác sỹ, lãnh đạo các bệnh viện và cao hơn là của lãnh đạo ngành y tế.

“Cò” hoạt động công khai trước cổng bệnh viện Mắt Trung ương

“Như bài báo đã nêu, tệ nạn này có sự tiếp tay của bệnh viện, nhân viên y tế. Vậy các giám đốc các bệnh viện, những người quản lý bệnh viện nghĩ gì, họ vì lợi ích mà không muốn dẹp nó sao?”, bạn đọc Trần Thành đặt câu hỏi.

Khẳng định còn “có rất nhiều trường hợp chiếu chụp, thuốc men ngoài luồng bác sỹ thu bỏ túi riêng chia chác”, bạn đọc Duy Thanh chán nản tự lý giải: “Nói ra thì kể cũng phí lời vì các quan chức ngành y lấp liếm biện hộ cần có bằng chứng cụ thể mà không thèm kiểm tra và khắc phục những kẻ hở. Vì sao? Vì cũng có phần cống nạp lại cả mà!”.

“Tồn tại “cò” là do lợi ích của các y bác sỹ và lực lượng bảo vệ bệnh viện. Rất mong lực lượng công an dẹp nạn “cò mồi” trước cổng bệnh viện, xử lý nghiêm nếu phát hiện hành vi sai phạm từ các y bác sỹ. Bên cạnh đó, cũng phải chấn chỉnh lại hoạt động hành chính trong bệnh viện để người dân được nhanh chóng làm thủ tục, tránh việc cần đến “cò”, bạn đọc Anh Quốc khẳng định và đề nghị. 

Bạn đọc Hiếu Trần phân tích: “Thời buổi này có bao nhiêu các loại “cò”: “Cò đất cát, cò nhà ở, cò làm “sổ đỏ”, cò làm đăng ký xe, cò đổi bằng lái xe...”, thế nên có thêm ông “cò bệnh viện” thì cũng chẳng lấy gì làm lạ. Có điều, các cơ quan chức năng nói là cải cách hành chính, thủ tục một cửa, vậy mà các loại “cò” vẫn cứ sống tốt thì chắc là phải xem lại công tác quản lý của các vị có thẩm quyền”.

“Khó dẹp “cò” lắm. Những ai không quen bác sỹ, mà có tiền thì đành phải nhờ “cò” thôi!”, bạn đọc Hùng Trần lý giải có vẻ bi quan nhưng rất đúng hiện tượng.

“Có bệnh thì vái tứ phương, muốn nhanh thì phải vái “cò”... Giờ làm sao dẹp hết “cò” bay quanh cổng viện, xử phạt mạnh đối với hành vi môi giới, cò mồi... thì may ra...”, bạn đọc Hieunguyen bỏ lửng câu nói.

Bạn đọc Hải Dương viết: “Bệnh viện nào chả có “cò”. Có chăng là ở những nơi khác nó đi vào “hoạt động bí mật” thôi! Cũng phải thừa nhận đội ngũ “cò” ấy làm nhanh thật. Thoắt vào, thoắt ra và 1 người chẳng rõ bệnh tật nặng nhẹ thế nào nghiễm nhiên đi qua cả hàng chục bệnh nhân xếp hàng vào khám bởi “người nhà của bác sĩ”. Nản thật”.

“Ôi, “cò” bây giờ ở đâu chả có. Tôi đi mua quyển sách, “cò” còn ra tận nơi mời gọi kia kìa. “Cò bệnh viện” cũng là do nhu cầu muốn nhanh chóng của người bệnh. Không có “cò”, người ta lại nhét tay bác sĩ thôi. Bệnh viện quá tải, không quen biết, không có “cò”, có khi chờ cả ngày không khám xong bệnh. Chi phí đợi chờ, ăn ở, đi lại tốn gấp nhiều lần, bạn đọc Kim Loan viết.

“Những người sẵn sàng bỏ tiền cho “cò” để được khám bệnh trước những người phải chờ theo số thứ tự thì việc bị “cò” lừa mất tiền cũng chẳng oan chút nào. Tại sao họ không chấp nhận chờ tới lượt một cách công bằng mà lại tự cho mình cái quyền bỏ tiền ra để lấn át người khác? Ta có thể thấy “cò” sinh ra là để kết nối bác sỹ thiếu y đức với bệnh nhân luôn đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích người khác. Nếu bác sỹ có y đức thì “cò” làm gì còn đất sống?”, ý kiến của bạn đọc Hoàng Sơn rất đáng để suy nghĩ.

“Cần xử nghiêm cả bác sĩ lẫn “cò mồi”, vì “cò” đã móc nối với một số bác sĩ thiếu cái tâm trong viện. Tôi đã gặp “cò” ở bệnh viện Mắt Trung ương khi đưa con đi khám. Họ bảo tôi đưa 300.000 để vào khám, đưa đi lòng vòng rồi vào 1 phòng, có người mặc áo trắng, xem qua loa rồi bảo về nhỏ thuốc mắt, lần 2 cũng vậy... Rút cuộc “tiền mất may mà tật chưa mang”, bạn đọc Tran Phuc chia sẻ.

“Tại châu Âu, ngoài giờ hành chính bác sỹ tới phòng mạch tư - ai không có phòng mạch tư thì liên kết với nhiều phòng khám của nhiều bệnh viện kết hợp làm dịch vụ giải quyết bệnh nhân tồn đọng. Bệnh nhân nào có thời gian thì chờ, không có thời gian thì qua dịch vụ, tiền thuốc được tính theo người có bảo hiểm hay không có hảo hiểm. Tự do thì sẽ hạn chế được nạn bắt tay của bác sĩ và cò mồi”, bạn đọc N.C.B chia sẻ thông tin.

“Nộp tiền bằng thẻ ATM có in số thứ tự khám, rồi vào đóng dấu, cần thiết thì có camera giám sát, lãnh đạo bệnh viện nên ra quy chế khi phát hiện có sự chen ngang thì kỉ luật tất cả những người có liên quan”, bạn đọc Duy Thanh đề xuất hướng giải quyết.

“Muốn chấm dứt tình trạng “cò mồi”, cầng phải có biện pháp cứng rắn đối với những bác sỹ trong các bệnh viện. Nếu không có những lực lượng tiếp tay như vậy thì “cò” sẽ bị… “tiêu diệt”!, bạn đọc Nguyễn Bảo Ngọc kết luận.