Không để các ngân hàng "lỡ hẹn" lên sàn

ANTD.VN - Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là đến năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức. 

Không để các ngân hàng "lỡ hẹn" lên sàn ảnh 1Nhiều nhà băng đang tiếp tục xúc tiến kế hoạch niêm yết hoặc chuyển sản trong năm nay

Năm 2020, tất cả các ngân hàng phải “lên sàn”

Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” vừa được Thủ tướng phê duyệt cuối tháng 2 đã yêu cầu thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức HoSE, HNX, UPCoM.

Thực tế, yêu cầu “lên sàn” đối với các cổ phiếu ngân hàng đã được đề ra trước đó tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8 năm ngoái.

Theo Chiến lược đề ra, một trong các mục tiêu của ngành ngân hàng đến 2020 là hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên sàn chứng khoán Việt Nam, nghĩa là niêm yết trên HoSE hoặc HNX mà không còn được đăng ký giao dịch trên UPCoM. Yêu cầu trên cũng xuất phát từ ngân hàng là một ngành kinh doanh khá đặc biệt khi hàng hóa ở đây là tiền tệ.

Tuy nhiên, tính đến nay, trong số 31 ngân hàng thương mại đang hoạt động thì chỉ 17 đơn vị đã niêm yết và đăng ký giao dịch chính thức. Trong số này có 11 ngân hàng niêm yết trên sàn HoSE, 3 ngân hàng niêm yết trên sàn HNX và 3 ngân hàng đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

Trong năm 2018, hàng loạt ngân hàng đã lên kế hoạch niêm yết. Thế nhưng hết năm chỉ có 3 ngân hàng hoàn thành mục tiêu này với việc niêm yết trên sàn HoSE, đó là Techcombank, HDBank và TPBank.

Đây được đánh giá là 3 ngân hàng “lên sàn” thành công. Theo đó, Techcombank chào sàn bằng mức giá tham chiếu 128.000 đồng/cổ phiếu, cao nhất trên sàn lúc bấy giờ. Với việc chia tách theo tỷ lệ 1:2 để tăng vốn, hiện cổ phiếu này đang giao dịch quanh mức 27.000 đồng/cổ phiếu.

HDBank chào sàn giá 33.000 đồng/cổ phiếu và hiện giao dịch quanh ngưỡng 31.000 đồng/cổ phiếu. TPBank chào sàn 32.000 đồng và hiện giao dịch quanh 21.000 đồng/cổ phiếu. 

Có thể thấy, trong vài năm trở lại đây, cổ phiếu ngân hàng vẫn nằm trong nhóm tăng trưởng mạnh nhất và luôn giữ vai trò dẫn dắt thị trường. Các ngân hàng đã niêm yết hầu hết kinh doanh thuận lợi và nhiều triển vọng. Từ quy mô lợi nhuận chỉ vài trăm tỷ đồng, nhiều ngân hàng đã đạt lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí cả chục nghìn tỷ đồng.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), ngân hàng là lĩnh vực đóng góp lợi nhuận cao nhất thị trường chứng khoán với hơn 68.000 tỷ đồng trong tổng số lợi nhuận 276.200 tỷ đồng của các doanh nghiệp trên sàn năm 2018, tăng 31% so với năm 2017.

Trong đó, Vietcombank là ngân hàng dẫn đầu lĩnh vực về lãi ròng, với hơn 14.600 tỷ đồng sau thuế, tăng 61% so với năm 2017. Đứng thứ hai là   Techcombank với 8.462 tỷ đồng, cao hơn 31% năm trước. Tiếp đến là BIDV với 7.358 tỷ đồng, tăng 8%; VPBank 7.355 tỷ đồng...

Tạo thêm sức ép để các ngân hàng hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn 

Trong năm 2019, một số ngân hàng đã lên sàn UPCoM cũng có kế hoạch chuyển sang sàn giao dịch sang HoSE. Cụ thể, Ngân hàng Quốc tế (VIB), trong đại hội cổ đông năm 2018 đã thông qua kế hoạch chuyển sang giao dịch ở HoSE vào thời điểm phù hợp. LienVietPostBank, trong tài liệu chuẩn bị cho đại hội cổ đông sắp tới cũng thông báo sẽ chuyển niêm yết sang HoSE trong năm nay cùng với kế hoạch tăng vốn.

Trong khi đó, một số ngân hàng “lỡ hẹn” đang rục rịch với kế hoạch lên sàn, tuy nhiên thông tin lại chưa rõ ràng. Trường hợp ABBank, trong đại hội cổ đông thường niên năm ngoái cũng đã từng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gấp đôi (từ 5.319 tỷ đồng lên gần 10.639 tỷ đồng), đồng thời, sẽ niêm yết thẳng lên sàn HoSE trong năm 2018 dù đã chuẩn bị hồ sơ đăng ký chứng khoán, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn giao dịch UPCoM trong năm 2017.

 Giải thích về quyết định này, ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị ABBank cho biết, thị trường chứng khoán đã có sự phát triển mạnh mẽ và vững chắc với tốc độ tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt là nhóm cổ phiếu của các ngân hàng. Việc ABBank lên niêm yết ở HoSE vừa đảm bảo việc giao dịch cổ phiếu tập trung, vừa thu hút được các nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, cả hai mục tiêu của ABBank đều không đạt được. Theo đó, hết năm 2018, vốn điều lệ của ngân hàng chỉ đạt hơn 5.700 tỷ đồng, trong khi việc lên sàn vẫn còn là dấu hỏi.

Hai ngân hàng VietBank và NamABank đã được cổ đông thông qua kế hoạch lên sàn UPCoM và dự kiến tiến hành các thủ tục để lên sàn này trong năm 2018. Hiện, NamABank đã thông báo chốt danh sách cổ đông để đăng ký giao dịch cổ phần trên UPCoM, trước khi niêm yết trên sàn HoSE, thời gian chính thức giao dịch trên UPCoM sẽ được NamABank công bố trong đại hội cổ đông sắp tới. 

Trong khi đó, VietBank đã nộp hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán là VBB. Tuy nhiên, việc giao dịch cổ phiếu sẽ chỉ thực hiện sau khi hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ. Được biết, sau khi tăng vốn lên 4.256 tỷ đồng, VietBank dự tính sẽ tiếp tục tăng vốn lên 5.300 tỷ đồng trong năm 2020.

MSB cũng cho biết sẽ chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán vào quý III-2019… Trong khi đó, các ngân hàng còn lại gần như chưa có thông tin gì về kế hoạch lên sàn.

Theo một số lãnh đạo ngân hàng, sở dĩ năm 2018 nhiều ngân hàng “lỡ hẹn” lên sàn do thị trường chứng khoán không mấy thuận lợi khi các chỉ số liên tục giảm điểm trong suốt gần 2/3 thời gian về cuối năm. Cùng với đó, dù vài năm gần đây, hoạt động kinh doanh của ngân hàng đã khởi sắc hơn nhưng việc tăng vốn đối với nhiều ngân hàng vẫn là bài toán khó.

Dù vậy, theo các chuyên gia, việc niêm yết cổ phiếu trên sàn giúp các ngân hàng minh bạch về thông tin và nâng tính thanh khoản cho cổ phiếu. Hiện các ngân hàng Việt Nam đều đã là công ty đại chúng, nên việc lên sàn là cần thiết.

Theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, nhất định cần yêu cầu các ngân hàng thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Điều này nhằm tạo thêm sức ép để các ngân hàng hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn. Đồng thời tiếp tục gia tăng sự giám sát của công chúng, hạn chế các giao dịch đổ vốn hàm chứa rủi ro vào các doanh nghiệp có liên quan, trong hệ sinh thái và mạng lưới sở hữu chéo với các cổ đông lớn của ngân hàng.

 “Nhất định cần yêu cầu các ngân hàng thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đến năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức. Điều này nhằm tạo thêm sức ép để các ngân hàng hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn. Đồng thời tiếp tục gia tăng sự giám sát của công chúng, hạn chế các giao dịch đổ vốn hàm chứa rủi ro vào các doanh nghiệp có liên quan, trong hệ sinh thái và mạng lưới sở hữu chéo với các cổ đông lớn của ngân hàng”

Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực