Không đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Trần Duy Đông, mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 không đạt được do nhiều lý do chủ quan và khách quan.  
Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn

Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn

Phát biểu tại hội nghị góp ý dự thảo báo cáo Nghị quyết 35/NQ-CP và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 39/2018/NĐ-CP vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho biết, các chính sách về phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn vừa qua đã được ban hành khá đầy đủ, toàn diện và bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Theo đó, tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2019 là 14,4%, tăng khoảng 80% so với bình quân giai đoạn 2011-2015; Tỉ lệ đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong tổng mức đầu tư toàn xã hội liên tục tăng lên : từ 36,7% năm 2015 lên 46% năm 2019.

Tuy nhiên “chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn khoảng cách lớn giữa chính sách và thực tiễn triển khai.

Một số mục tiêu về phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn 2016-2020, ví dụ như mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 là chưa đạt được, xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan”- ông Trần Duy Đông nói.

Đồng quan điểm này, bà Trịnh Thị Hương- Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH-ĐT) cho hay, để đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động năm 2020 thì tăng trưởng doanh nghiệp phải đạt trên 17%, trong khi tăng trưởng hiện nay mới chỉ hơn 10%.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động lại tăng lên. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Cũng theo bà Trịnh Thị Hương, mục tiêu khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 48-49% GDP cũng không thực hiện được. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của khu vực tư nhân cũng tăng lên, nếu duy trì tốt thì trong giai đoạn tới có thể đạt được.

Ở góc độ địa phương, ông Trần Anh Tuấn- Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TP HCM cho hay, TP HCM đã có nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy vậy, đến nay, số doanh nghiệp trên địa bàn là 440 nghìn, không đạt được mục tiêu 500 nghìn doanh nghiệp.

“Việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn mặc dù được cơ quan quản lý triển khai hỗ trợ”- ông Trần Anh Tuấn nói.

Theo đại diện Sở KH-ĐT TP HCM, để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp về thủ tục thành lập doanh nghiệp, đất đai, thủ tục hải quan… thời gian tới cần hỗ trợ các DNNVV nắm bắt cơ hội từ hiệp định thương mại tự do Việt Nam- liên minh châu Âu (EVFTA), đẩy mạnh xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, đào tạo, lao động có tay nghề và chuyên gia.

Bộ KH-ĐT cho biết, mục tiêu phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030 là tốc độ tăng trung bình số doanh nghiệp hoạt động khoảng 15% năm, tăng tỉ lệ doanh nghiệp vừa và lớn chiếm khoảng 5-6% trong tổng số doanh nghiệp vào năm 2025, phấn đấu đạt 8% vào năm 2030.

Bên cạnh đó, mức tăng trưởng bình quân lao động 2021-2030 đạt khoảng 25-30%, tăng trưởng bình quân mức đóng góp vào ngân sách Nhà nước đạt khoảng 23-25%/năm; Có 15 doanh nghiệp khu vực tư nhân có vốn hoá trên 1tỷ USD vào năm 2020 và 20 doan nghiệp khu vực tư nhân có vốn hoá trên 1 tỷ USD vào năm 2030.