Không còn là đòn gió

ANTĐ - Từ đầu tháng 5 đến nay, tần suất các vụ tranh cãi thương mại giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) ngày càng dày thêm khiến người ta lo ngại một “cuộc chiến” thương mại mới sắp bùng nổ giữa hai quyền lực kinh tế hàng đầu thế giới.

Tập đoàn ZTE của Trung Quốc đang là đối tượng bị EU kiện. Ảnh: Internet

Nếu theo dõi kỹ có thể dễ dàng nhận thấy các vụ kiện cáo thương mại giữa Trung Quốc và EU hầu như không có hồi kết. Hầu như mặt hàng nào cũng có thể trở thành “ngòi nổ” cho các cuộc tranh cãi, từ những thứ nhỏ nhặt như bu lông, ốc vít, đến những sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực điện tử, viễn thông…

Chỉ xin nêu ra một số vụ điển hình. Tháng 10-2009, EU đã kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) việc Trung Quốc cố tình bán phá giá các mặt hàng bu lông, ốc vít vào thị trường châu Âu. Theo tính toán của EU, mỗi năm châu Âu nhập khẩu từ Trung Quốc tới 575 triệu euro (khoảng 762 triệu USD) các loại bu lông, ốc vít. Việc giá sản phẩm Trung Quốc quá rẻ đã giết chết ngành sản xuất mặt hàng tương tự của châu Âu. EU đòi đánh thuế nặng từ 26,5% đến 85% đối với mặt hàng nhập khẩu này từ Trung Quốc.

Gần đây nhất, ngày 18-5 vừa qua, ông Karel De Gucht, Ủy viên phụ trách Ngoại thương của EU, lên tiếng cáo buộc 2 tập đoàn Trung Quốc sản xuất các thiết bị viễn thông là Huawei (Hoa Vĩ) và ZTE (Trung Hưng) bán phá giá, vi phạm các quy định về cạnh tranh. Lời cáo buộc này dựa trên thông tin từ các nhà sản xuất thiết bị viễn thông nổi tiếng của EU như Ericsson, Alcatel-Lucent và Nokia Siemens Network khẳng định 2 tập đoàn Trung Quốc xuất vào thị trường châu Âu những sản phẩm với giá quá rẻ nhờ sự trợ giúp của Chính phủ Trung Quốc. 

Về việc EU mở điều tra nhắm vào 2 tập đoàn Trung Quốc nói trên, đây là lần đầu tiên khối này có hành động như thế vì từ trước tới nay các cuộc điều tra đều do các tổ chức chuyên ngành thực hiện. Không khó khăn để có thể hiểu vì sao thái độ của EU lại cứng rắn như vậy. Hãy nhìn vào kim ngạch thương mại song phương Trung Quốc – EU. Năm ngoái, quan hệ thương mại EU - Trung Quốc thuộc hàng lớn nhất thế giới với tổng kim ngạch hai chiều là 546 tỷ USD. Thế nhưng, lợi ích lại không chia đều cho hai bên bởi thâm hụt thương mại của EU với Trung Quốc lên tới 120 tỷ euro.

Sự việc càng phức tạp hơn khi vấn đề kinh tế này bắt đầu nhuốm màu chính trị. Người dân châu Âu cho rằng các nước như Trung Quốc phải mở cửa thương mại như châu Âu đã mở cửa đón các nước khác. Trong bối cảnh thất nghiệp và khủng hoảng kinh tế, các nhà lãnh đạo chính trị EU muốn chứng tỏ với cử tri rằng họ không khoan nhượng trước những thách thức từ Trung Quốc. Điều đó đồng nghĩa với việc họ có thể bảo vệ những lá phiếu của mình trong con mắt của cử tri.

Tuy nhiên, “cuộc chiến” thương mại nổ ra là điều mà cả Trung Quốc và EU đều không muốn bởi sự ràng buộc chặt chẽ với nhau. EU cũng như Trung Quốc là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhu cầu bên ngoài. Sự gián đoạn trao đổi thương mại có thể khiến kinh tế hai bên sụp đổ. Chính vì thế, giới phân tích đánh giá sự gia tăng căng thẳng phản ánh thực tế rằng cả hai bên đều đang cảm nhận áp lực từ sự suy giảm kinh tế mạnh mẽ và sẽ đều bị thiệt hại nặng nề nếu như để những bất đồng tuột khỏi tầm kiểm soát. 

Lời cảnh báo của EU đã không còn là đòn gió như trước nhưng cũng không thể quá mạnh bởi nó có thể làm Trung Quốc bẽ mặt. Bắc Kinh sẽ phản công và lúc đó thì chính EU sẽ bị mất thể diện.