- Bộ Tài nguyên và Môi trường cảnh báo: Hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung có thể tái diễn
- Hà Nội phấn đấu tăng tỷ lệ cây xanh lên 6 lần
- Khói, bụi “ăn mòn” sức khỏe người dân đô thị
Do chưa có số liệu cụ thể nên không thể đưa ra cảnh báo về việc có thủy ngân
trong không khí
Chưa đến mức phải cảnh báo
Một số thông tin cho biết, mới đây, thiết bị đo đạc quan trắc của Bộ TN-MT đã phát hiện chất độc thủy ngân có trong bầu không khí Thủ đô song chưa xác định được chỉ số cụ thể để kết luận. Trước thông tin này, dư luận vẫn dấy lên những lo ngại về độ nguy hiểm mà thủy ngân có thể gây ra với sức khỏe con người.
Theo một nguồn tin từ Bộ Tài nguyên - Môi trường, thông tin phát hiện thủy ngân trong không khí Hà Nội chưa thực sự chính xác. Công tác quan trắc hàm lượng thủy ngân trong không khí đã được các nước trên thế giới thực hiện từ lâu và vừa qua Việt Nam mới có thiết bị quan trắc này. Việc quan trắc mới được tiến hành và chưa có số liệu tổng hợp, vì vậy, cơ quan hữu quan chưa thể đưa ra cảnh báo.
Cũng trong sáng 26-4, ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cũng xác nhận, đến nay mới có kết quả bước đầu tại một điểm quan trắc của Bộ TN-MT nên vấn đề này cần nghiên cứu tiếp. “Phải nghiên cứu dưới góc độ khoa học xem mức độ thế nào, rồi tìm ra nguyên nhân. Không có cơ sở nào để nói thủy ngân lơ lửng trong không khí ở Hà Nội” – ông Hoàng Dương Tùng nói.
Sáng 26-4, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, đồng thời là thành viên tham gia biên tập, biên soạn Báo cáo môi trường quốc gia năm 2013 với chủ đề “Môi trường không khí” cho rằng, tìnhhình chưa tới mức đáng lo ngại.
“Tôi là người chỉnh sửa cuối cùng của báo cáo hiện trạng ô nhiễm trước khi trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường phê duyệt, mà chưa khi nào được biết đến một cảnh báo nhỏ nào nhắc tới ô nhiễm thủy ngân trong không khí”, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng cho hay.
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng chỉ ra rằng, số liệu quan trắc được nêu ra có tính chất cá biệt, chỉ có trạm quan trắc tự động ở Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội). “Cho nên nói Hà Nội đang ô nhiễm thủy ngân là không chính xác. Phải tiến hành quan trắc thường xuyên hơn nhiều chỗ hơn với số liệu rõ ràng thì mới kết luận được. Nếu đúng nồng độ thủy ngân vượt quá tiêu chuẩn cho phép thì đây là một vấn đề hết sức đáng báo động”, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng nhấn mạnh.
Thủy ngân từ đâu ra?
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng cho biết, thủy ngân được sử dụng trong nhiều hoạt động đời sống: “Ví dụ bóng đèn huỳnh quang bên trong cũng là hơi thủy ngân vỡ ra cũng sinh ra hơi thủy ngân. Rồi trong các pin điện cũng có thủy ngân. Các cực điện trong điện tử điện sinh hoạt có thủy ngân. Phân tách vàng và bạc trong sa khoáng cũng phải dùng thủy ngân. Hay sơn dùng sơn tàu thủy tránh hà bám và ăn mòn cũng có pha thủy ngân. Như vậy, thủy ngân phát sinh trong các hoạt động cục bộ nào đó của đời sống chứ không phải ô nhiễm xuất phát từ giao thông”.
Về mức độ nguy hiểm của thủy ngân, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng cho biết, đây là loại chất độc hại quy định trong tiêu chuẩn quốc gia không được vượt quá 0,3microgam/m3. Khi hít phải thủy ngân sẽ gây nhiều bệnh đường hô hấp, ho, nôn mửa, đau bụng, dạ dày, tích lũy trong thận hệ thần kinh gây bệnh mạn tính lâu dài có thể chết người.…
Không quá lo lắng về việc phát hiện thủy ngân trong không khí, nhưng GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng lại tỏ ra lo ngại với 2 chất rất nguy hiểm khác có trong không khí là bụi mịn và khí benzene. Ông Đăng cho biết, hiện nay, các số liệu đo đạc được đã cảnh báo về ô nhiễm 2 chất này.
Vị chuyên gia môi trường này nhấn mạnh: “Hiện nay, hơi xăng dầu ở Hà Nội đã đo được là vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Khí benzene độc hại hơn bụi rất nhiều, gây nên các bệnh về phổi, hô hấp, lâu dài cũng là tác nhân gây ung thư”.
Để tự tránh khí thải benzene, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng khuyến cáo, mỗi người cần bảo dưỡng xe thường xuyên, chú ý hệ thống phun xăng sau một thời gian sử dụng sẽ bị hở ra và xăng có nguy cơ bốc hơi. Động cơ đốt không hết xăng cũng sẽ sinh ra benzene trong ống xả. Xe máy, ô tô để trong nhà nên có thông gió để tránh mùi xăng - chính là khí benzene độc hại.