Không chỉ vì “tình thế”

ANTĐ - Khó nhớ chính xác từ tháng nào, năm nào Hà Nội bắt đầu sống trong tình cảnh ùn tắc giao thông. Nhưng có thể nhớ rất rõ những giải pháp đã được đưa ra áp dụng từ chuyện cắt xén, mở rộng ngã tư, rồi lại bịt kín, xẻ đường thoát; xây cầu vượt, đào hầm chui. Gần đây nhất là phân làn, phân luồng; bố trí lệch giờ làm việc, giờ học, cấm đỗ xe trên 130 tuyến phố và những quy định về sử dụng vỉa hè… Những giải pháp được coi là tình thế, song dường như tình hình vẫn thế. Cho đến khi hai chiếc cầu vượt lắp ghép vừa được khánh thành thì mới thực sự thay đổi.

Đó là hai cây cầu được lắp ghép ngay tại hai “nút thắt cổ chai” nổi tiếng của Hà Nội: Tây Sơn - Chùa Bộc và Láng Hạ - Thái Hà. Có lẽ từ ý tưởng đến khi thực hiện,và hoàn thành “tác giả” hai công trình lắp ghép này cũng chỉ coi là một trong hàng loạt giải pháp cấp bách mang tính tình thế nhằm góp một phần nhỏ nhằm giảm ùn tắc giao thông ngày càng trở nên nặng nề và căng thẳng. Thật bất ngờ hai cây cầu với kết cấu thép tải trọng nhẹ, được lắp ghép chỉ trong 4 tháng, đã giải thoát được cảnh người xe chen chúc, gần như xóa hẳn tình trạng ùn tắc như “cơm bữa” tại hai “điểm đen” giao thông này. Hơn thế, sau khi thông cầu, hai “cửa cống” ùn ứ, tắc nghẽn xe cộ được khơi thông, hàng trăm phương tiện lưu thông trên các tuyến đường phố đổ về  hai cây cầu cũng như một số nút thắt không còn bị dồn ứ khiến tình trạng ùn tắc trên diện rộng đã giảm hẳn. Bất ngờ không chỉ vì đã lâu rồi Hà Nội mới có được một giải pháp “tình thế” nhưng hiệu quả thấy rõ ngay, mà tác dụng và giá trị của nó còn có thể lâu dài.

Người dân cảm nhận rõ rệt tính hữu ích của hai chiếc cầu khi biết rằng, kinh phí rót vào đây chưa tới 70 tỷ đồng một cầu trong khi những cầu vượt kiên cố, vĩnh cửu dựng lên ở Hà Nội đã ngốn hơn 5.000 tỷ đồng. Hoặc như hầm chui Kim Liên có kinh phí tới 500 tỷ đồng, thi công ròng rã suốt 4 năm. Đó là chưa kể tới hàng nghìn tỷ đồng đổ vào hàng loạt hầm đường bộ khá hoành tráng nhưng hầu như chỉ có tác dụng ‘thông gió” chứ khách bộ hành chẳng ai chui qua. Đương nhiên hai chiếc cầu vượt lắp ghép với kết cấu thép tải trọng nhẹ, có khả năng tháo gỡ, di chuyển đến nơi khác khi không cần thiết, cũng chỉ là “cầu tạm”. Song các thông số kỹ thuật đã được các cơ quan chuyên môn của Hà Nội cũng như Bộ GTVT thẩm định. Đặc biệt, sau khi hoàn thành và đi vào sử dụng cầu còn được một công ty tư vấn công trình giao thông thử tải, các thông số kỹ thuật đều đạt yêu cầu so với thiết kế.

Trưởng khoa Công trình thuộc trường Đại học GTVT, một trong tác giả nghiên cứu đưa ra phương án xây dựng hai chiếc cầu vượt lắp ghép khẳng định mặc dù cấm phương tiện giao thông trên 3 tấn không được qua cầu nhưng không có nghĩa là cầu chỉ chịu được trọng tải 3 tấn mà thực tế gấp nhiều con số này. Thậm chí, nếu xảy ra ùn tắc, trên cầu dày đặc ô tô con và xe máy thì cầu vẫn hoàn toàn “gánh” nổi. Chẳng đến mức quá lo xa về độ an toàn, vững chắc của những chiếc cầu vượt lắp ghép, bởi chúng đã được “gắn mác” kiểm định nghiêm ngặt của các nhà khoa học vừa công bố.

Từ hai cây cầu vượt lắp ghép này, người dân nhìn lại những công trình giao thông đã tốn kém hàng nghìn tỷ đồng cũng như hàng loạt giải pháp tình thế ở Hà Nội. Vấn đề được đặt ra là, không chỉ vì “tình thế” mà phải làm thế, bởi có những giải pháp rẻ tiền mà mang lại hiệu quả nhãn tiền.