Không cần cho điểm học sinh lớp 1

ANTĐ - Một điểm mới nhất năm học 2013-2014 là việc Bộ GD-ĐT đưa ra hướng dẫn không cho điểm trong suốt quá trình dạy học lớp 1 để tránh tình trạng gây áp lực cho phụ huynh khi con bị điểm kém. Tuy nhiên, quy định này ngay lập tức bị buộc phải sửa lại khi trái với Thông tư trước đó về cho điểm kết hợp nhận xét được chính Bộ này ban hành.

Thay đổi về cách đánh giá sẽ khắc phục được tình trạng học thêm, học trước chương trình

Không thể cấm tuyệt đối 

Trước băn khoăn của phụ huynh về tình trạng thua kém của con em với các bạn cùng lớp nếu không học trước chương trình lớp 1 dẫn tới thực trạng học tràn lan trước lớp 1, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã hứa sẽ đưa ra các giải pháp để hạn chế tận gốc tình trạng này. Cũng chính vì vậy, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ của giáo dục tiểu học năm học 2013 - 2014 của Bộ GD-ĐT gửi các sở GD-ĐT ngày 10-8 đã nêu rõ “đối với việc đánh giá học sinh lớp 1, ngoài bài kiểm tra vào cuối năm học, giáo viên tuyệt đối không cho điểm trong suốt quá trình tổ chức dạy học. Giáo viên không được có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào”. Với quy định này phụ huynh sẽ không còn áp lực khi con mình mới bước vào năm học đầu tiên đã thường xuyên nhận điểm kém mà nguyên nhân được phụ huynh cho là vì không cho con học trước khi vào lớp 1. Đây cũng là lý do vì sao các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục ra sức kêu gọi nhưng các cô bé, cậu bé mẫu giáo lớn vẫn phải nai lưng học chữ, học toán cho đến khi thành thạo rồi mới chính thức bước vào những buổi học đầu tiên.

Tuy nhiên, hướng dẫn này ngay sau khi ban hành vài ngày đã phải rút lại và sửa đổi. Theo đó, một hướng dẫn có phần chung chung được thay thế: “Đối với lớp 1, khuyến khích giáo viên chỉ nhận xét, không chấm điểm học sinh; nếu chấm điểm, giáo viên không nên thông báo điểm số cho gia đình học sinh; giáo viên tuyệt đối không có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển giải thích, sau khi xem xét kỹ, Bộ GD-ĐT nhận thấy hướng dẫn này chưa phù hợp với Thông tư 32 /2009/TT-BGDĐT ban hành Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học. Tại điều 7 của thông tư này có đưa ra quy định: “Đánh giá bằng điểm kết hợp với nhận xét”. Trước khi Thông tư này được điều chỉnh, Bộ GD-ĐT không thể đưa ra các văn bản ngược với quy định trong Thông tư. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Quan điểm của Bộ là khuyến khích việc không chấm điểm đối với học sinh lớp 1, tuy nhiên nếu giáo viên chấm điểm theo thông tư thì vẫn không sao, nhưng dần dần sẽ tiến tới việc không cho điểm học sinh lớp 1. Theo tôi, lớp 1 không cần chấm điểm, vì hết lớp 1 chỉ yêu cầu học sinh biết đọc, biết viết. Điều cần thiết là giáo viên theo sát học sinh, hướng dẫn, nhận xét các em. Còn 7, 8 hay 9, 10 điểm thì các em đều được lên lớp, vì vậy chỉ cần nhận xét, không cần chấm điểm”. 

“Cá mè một lứa” vì sĩ số đông

Nhận định việc đánh giá bằng nhận xét là tích cực thay vì cho điểm một cách tràn lan, cô N.H. Anh, giáo viên trường tiểu học Vĩnh Tuy cho rằng đây là giải pháp tốt với mục đích tạo tâm lý thoải mái cho học sinh bước vào lớp 1, không có suy nghĩ bị so sánh, tránh tâm lý lo sợ thì các em sẽ thích đi học hơn. Phụ huynh sẽ giảm áp lực điểm số lên con mình, tránh tình trạng học chữ trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên, đối với giáo viên các trường tiểu học công lập có sĩ số lớn thì sẽ lại là áp lực không nhỏ khi phải nhận xét từng học sinh thay vì đặt bút phê điểm. “Sẽ phản tác dụng khi mà phụ huynh thấy nhận xét của cô cứ hao hao trong suốt năm học hoặc giống như các bạn khác” - cô N.H.Anh phân tích.

Điều khiến các giáo viên băn khoăn nữa là việc giảm áp lực cho học sinh bằng những lời nhận xét nhẹ nhàng sẽ khiến các bậc phụ huynh dễ rơi vào tình trạng chủ quan, không nắm rõ thực lực của con em mình. Đến khi thể hiện bằng điểm số ở bài kiểm tra cuối năm, không ít phụ huynh chắc chắn sẽ sốc khi con mình không đạt được điểm cao như bản thân suy nghĩ. Trong khi đó, hiện tại với việc cho điểm vào các bài tập hàng ngày, phụ huynh lại dễ nhìn nhận được khả năng tiếp thu và trình bày của con em mình. “Sở GD-DT không chỉ đưa ra hướng dẫn như trên mà cần thiết có tập huấn về phương pháp đánh giá cho giáo viên để vừa có sự thống nhất vừa phù hợp tâm sinh lý học sinh, tránh những “tai nạn” do lời nhận xét gây nên” - hiệu trưởng một trường tiểu học quận Ba Đình cho biết.