Không biết tự kiềm chế giáo viên trút giận lên đầu trẻ

ANTĐ - Theo Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD-ĐT, gần 5 triệu trẻ mầm non trên cả nước đang là đối tượng cần được bảo vệ trước khả năng chăm sóc không đúng phương pháp, dẫn tới sang chấn tâm lý. 

TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện tỷ lệ huy động trẻ đến trường tăng mỗi năm khoảng 1 triệu em. Với gần 5 triệu trẻ đang được chăm sóc trong các cơ sở mầm non toàn quốc, việc đảm bảo an toàn cho trẻ trong các cơ sở này là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đặc biệt, Vụ trưởng cho rằng việc chăm sóc, giáo dục trẻ không đúng phương pháp sẽ dẫn tới các sang chấn về tâm lý đối với trẻ, ảnh hưởng tới trẻ đến suốt cuộc đời.

Trước thực tế ngày càng xuất hiện tình trạng bạo hành trẻ mầm non xuất phát từ sự thiếu kiềm chế của giáo viên, TS Nguyễn Kim Anh, Phó Hiệu trưởng trường CĐ TƯ TP Hồ Chí Minh cho rằng, bạo hành trẻ em là hành vi ứng xử tiêu cực với trẻ em trong những tình huống khác nhau, vượt qua khả năng ứng phó của người chăm sóc, nuôi dưỡng, gây tổn thương về mặt thực thể và tâm lý của trẻ.

Trẻ mầm non cần được quan tâm đặc biệt trong suốt quá trình giáo dục

"Khi diễn ra hành vi bạo hành trẻ thì là thời điểm người chăm sóc đang rơi vào trạng thái căng thẳng về mặt tâm lý, dẫn đến mất kiểm soát về mặt nhận thức, cảm xúc, hành vi. Lúc này họ cũng không nhận thức được hành vi của mình là đúng hay sai và dẫn tới hậu quả gì"- TS Nguyễn Kim Anh nhận định.

Giáo viên mầm non thường khó kiểm soát hành vi nếu trẻ liên tục quấy khóc, nghịch phá, la hét, không nghe lời, không chịu ăn... mà bản thân giáo viên cảm thấy bất lực, không biết cách giải quyết tình huống. Đặc biệt là khi tình trạng này bị lặp đi lặp lại khiến giáo viên khó kiểm soát cảm xúc và hành vi của mình. 

Có những tình huống thường gặp phải như trẻ đùa với bạn bị ngã, hoặc đánh bạn gây thương tích… giáo viên không nhận được sự thông cảm của phụ huynh, có khi còn nhận những lời nói, hành động xúc phạm… Đây cũng là nguyên nhân tích tụ gây ra những hành vi mất kiểm soát trong quá trình làm việc với trẻ.

Theo TS Kim Anh, kỹ năng kiềm chế của giáo viên mầm non rất quan trọng để xử lý được những tình huống xấu nêu trên. Tuy  nhiên, kỹ năng này cần phải được rèn luyện lâu dài và có sự hỗ trợ, động viên, chia sẻ kịp thời của đồng nghiệp.

Để rèn luyện kỹ năng kiềm chế sự tức giận, tránh xung đột giáo viên cần nuôi dưỡng tư duy, cảm xúc tâm hồn; trau dồi ngôn ngữ giao tiếp tích cực, rèn luyện khả năng chịu áp lực cao…