Khơi thông các “điểm nghẽn”

ANTĐ - Trong 4 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,88%, thấp nhất từ năm 2002 đến nay. Chỉ số CPI bình quân 4 tháng qua cũng thấp xa so với cùng kỳ từ năm 2002 đến 2013. Điều này cho thấy tín hiệu khả quan là CPI cả năm có khả năng tăng thấp hơn mục tiêu đề ra 7%, thậm chí có thể ở mức dưới 6%. Nếu dự báo này đúng thì đây là năm thứ ba liên tiếp CPI tăng thấp hơn mục tiêu.

Theo phân tích của giới chuyên gia, lạm phát tăng thấp là điều đáng mừng cho người tiêu dùng, nhất là những người thu nhập thấp, những người chịu tác động bởi những doanh nghiệp bị phá sản, ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh. Quan trọng hơn, lạm phát thấp tạo điều kiện cho giá vàng giảm, giá USD tăng thấp, góp phần củng cố niềm tin vào đồng tiền quốc gia, cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, tăng tính thanh khoản. Tuy vậy, dưới những góc độ khác nhau, lạm phát thấp không hoàn toàn do tác động tích cực của kiềm chế lạm phát, mà còn do những hiệu ứng phụ. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến lạm phát thấp là do tổng cầu yếu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I và tháng 4 chỉ tăng 5,1% so với cùng kỳ. Chỉ số tồn kho sản phẩm công nghệ chế biến tăng cao dần từ 9,7% tháng 1, lên 12,7% tháng 2 và 13,4% tháng 3. Tốc độ tăng tín dụng chỉ nhích nhẹ và thấp xa so với tốc độ tăng tiền gửi tiết kiệm.

Mặc dù mức tăng GDP của quý I là 4,96%, mức tăng khá cao trong vòng 3 năm qua, nhưng đi sâu vào phân tích, chưa thể lạc quan khi động lực tăng trưởng chưa được khơi thông. Thành tích tăng trưởng có được  những năm trước là nhờ đóng góp của các nhân tố phát triển theo chiều rộng như dựa vào vốn đầu tư nước ngoài, khai thác tài nguyên, lao động rẻ, đến nay không còn dư địa để tạo đà cho tăng trưởng nhanh. Trong mấy năm liên tục nước ta không đạt mục tiêu GDP như kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng GDP Quốc hội đề ra cho năm 2014 là 5,8%.  Các chuyên gia trong nước cũng như một số tổ chức quốc tế dự báo, kết quả khả quan có thể đạt được trong khoảng 5,5 -5,6%. Nhiều năm qua, cụm từ thường được nhắc đến nhiều là “tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững”. Nay giới chuyên gia lại nói tới “tăng trưởng dưới mức tiềm năng”. Khi CPI tăng thấp một bộ phận không nhỏ người dân không đầu tư cho sản xuất kinh doanh mà gửi tiền tiết kiệm. Ngay cả nhà đầu tư cũng gửi vào ngân hàng “tạm trú” để chờ cơ hội. Một số chuyên gia cảnh báo, do CPI tăng thấp chủ yếu là vì tổng cầu yếu, một số ngành, doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc độc quyền nhà nước dễ mượn cớ để tăng giá thiếu công khai, minh bạch sẽ tạo thêm “một cú đấm” vào tổng cầu.

Tăng trưởng GDP năm sau có cao hơn năm trước nhưng vẫn ở mức khiêm tốn, trong khi sức ép phải nâng cao chất lượng tăng trưởng ngày càng nặng hơn. Diễn biến chỉ số GDP, CPI chứng tỏ, việc khơi thông các “điểm nghẽn” của nền kinh tế cần phải quyết liệt, ráo riết hơn nữa.