Khốc liệt cuộc đua Chủ tịch VFF

ANTĐ - Danh sách ứng viên vị trí chủ tịch VFF khóa VII sẽ chính thức được công bố sau cuộc họp Ban chấp hành Liên đoàn ngày 28-3 tới. Hai ứng viên được cho là nặng ký nhất là Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và người đồng cấp Phạm Văn Tuấn. Cuộc chạy đua vốn đã rất nóng này được dự báo sẽ càng quyết liệt hơn ở giai đoạn nước rút. 

Chủ tịch mới trước hết phải là người đưa bóng đá thoát khỏi cơn khủng hoảng 

trước khi nghĩ đến việc nâng tầm

VFF cho biết bộ phận trù bị Đại hội khóa VII diễn ra vào 5-6 tới gần như chốt xong danh sách các ứng viên nhân sự. Trước đó, các tổ chức thành viên và các CLB đã gửi đề cử tới VFF, trong đó hai vị trí Chủ tịch và TTK VFF được đặc biệt quan tâm. Chủ tịch đương nhiệm Nguyễn Trọng Hỷ tiết lộ: “Phiếu bầu của các CLB khá tập trung. Tôi nghĩ là ai được tiến cử thay tôi, thời gian vừa qua chúng ta “nhắm mắt” cũng có thể dự đoán được rồi”.

Hiện tại, 2 ứng viên đồng cấp Phó chủ tịch VFF là ông Lê Hùng Dũng và Phạm Văn Tuấn được cho là sẽ cạnh tranh vị trí ông Hỷ để lại sau đại hội tới. Ở VFF, tiếng nói của ông Lê Hùng Dũng luôn có sức nặng và ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi quyết định lớn tại Liên đoàn. Trong khi đó, ông Phạm Văn Tuấn lại có được sự ủng hộ từ Tổng cục TDTT. Khi chính cơ quan này đã “biệt phái” ông sang làm Phó chủ tịch VFF. Điều mà nhiều người cho rằng đây là bước đệm để ông Tuấn thay thế ông Hỷ. Dù là người mới tại “ngôi nhà VFF” song chỉ sau 3 tháng, ông Tuấn đã để lại khá nhiều dấu ấn. Việc tuyển chọn HLV trưởng ĐTQG được cho là ấn tượng lớn nhất. 

Hiện đang có 2 luồng quan điểm trái ngược nhau về chiếc ghế chủ tịch VFF. Những người ủng hộ quan điểm cử “một người Nhà nước” có tầm ảnh hưởng cao để tăng cường vai trò quản lý tổ chức này đang thiên về việc chọn Phó tổng cục trưởng Phạm Văn Tuấn. Tuy nhiên, ý kiến này cũng đang vấp phải nhiều hoài nghi, bởi dù xuất thân từ bóng đá, song xét về vị trí và tầm ảnh hưởng xã hội, ông Tuấn không được đánh giá cao. Một chuyên gia kỳ cựu nêu quan điểm: “Cơ chế hoạt động của bộ máy VFF đã quá trì trệ, cần một sự phá cách trong suy nghĩ”. Trong khi đó, quan điểm còn lại ủng hộ ông Lê Hùng Dũng cho rằng một doanh nhân có sự hiểu biết, năng lực lãnh đạo, ảnh hưởng lớn với xã hội sẽ thích hợp lãnh đạo VFF trong bối cảnh hiện nay. 

TGĐ CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh: Tâm huyết thôi chưa đủ

Phải có tâm huyết thì mới làm vì bóng đá Việt Nam, nhưng để thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, trì trệ như hiện nay thì tâm huyết thôi chưa đủ để ngồi ghế chủ tịch VFF. Một doanh nhân tầm cỡ hay một người có chức vụ Nhà nước cao đều thích hợp, song cần có suy nghĩ táo bạo, đột phá nhưng phải thận trọng thì mới mong bóng đá phát triển được. Sẽ là quá khắt khe nếu đòi hỏi giải quyết được hết các vấn đề tồn đọng hiện tại mà chỉ mong tân chủ tịch VFF có thể giúp bóng đá nước nhà chống chọi và vượt qua cơn khủng hoảng hiện nay.

Phó Chủ tịch Hội CĐV Việt Nam Trần Song Hải: Cần người nói được, làm được

Người hâm mộ đã quá quen với những lời hứa của tân chủ tịch VFF sau khi nhậm chức. Nhưng thực tế, tất cả chỉ dừng ở lời nói và hệ quả là bóng đá Việt Nam giờ đã quá bết bát. Rất nhiều kỳ vọng được đặt vào vị tân chủ tịch nhiệm kỳ tới như hiện thực hóa chiến lược phát triển bóng đá đến năm 2020; đem lại nguồn thu và tận dụng hiệu quả tiền thu được để phát triển bóng đá trẻ; nâng chất và làm trong sạch các giải đấu quốc nội; tái cấu trúc bộ máy VFF… 

Phó ban Tư vấn đạo đức Nguyễn Văn Vinh: Biết kiếm tiền và tự trọng

Xu hướng xã hội hóa thể thao là tất yếu và bóng đá phải đi đầu. Vì vậy, tân chủ tịch VFF phải là người biết kiếm tiền, tập hợp được người tài và có tầm ảnh hưởng tới những vấn đề trọng yếu của bóng đá. Bao năm qua VFF gần như không có quan hệ với một cường quốc bóng đá nào, nhưng một doanh nhân lại có thể đưa J-League - giải bóng đá hàng đầu châu Á, vào Việt Nam. Ngoài ra, tôi nghĩ đó phải là một người có lòng tự trọng. Tự trọng ở đây là tâm huyết, là không vướng vào tham nhũng, là dám nghĩ, dám làm và có văn hóa từ chức khi nhận ra mình không đủ năng lực.

“Nóng” ghế Tổng thư ký VFF

Bên cạnh vị trí Chủ tịch VFF, danh sách ứng viên TTK cũng sẽ được công bố ngày  28-3. Theo quy định, tân chủ tịch VFF sẽ được chọn đích danh tân TTK sau khi tham khảo ý kiến Ban chấp hành tại Đại hội khóa VII vào tháng 6 tới. Hiện tại, ông Ngô Lê Bằng đang đảm nhiệm vị trí này. Sau hơn một năm nắm quyền, ông Bằng được cho là tròn vai. Dù bị “mất điểm” trong vai trò trưởng đoàn sau thất bại AFF Cup 2012, song ông Bằng lại được đánh giá cao trong việc lên kế hoạch cho các ĐTQG và mẫn cán trong cuộc tìm kiếm HLV trưởng ĐT Việt Nam. Tuy nhiên, theo nguồn tin chúng tôi có được, cựu TTK Trần Quốc Tuấn đang được Tổng cục TDTT “bật đèn xanh” quay trở lại.