"Khoảnh khắc bất tử" lẽ ra phải là... "bom tấn"

ANTĐ - Vở kịch múa “Khoảnh khắc bất tử” được Nhà nước đầu tư 1 tỷ đồng để dàn dựng. Nhưng sau buổi biểu diễn ra mắt hoành tráng, đến nay, vở mới đỏ đèn vỏn vẹn 5 buổi và nhiều khả năng sẽ lưu kho “đắp chiếu” do chưa có kế hoạch diễn trong thời gian tới. 

"Khoảnh khắc bất tử" lẽ ra phải là... "bom tấn" ảnh 1Một cảnh trong vở kịch múa “Khoảnh khắc bất tử”

“Chưa bao giờ bán vé”

“Khoảnh khắc bất tử” là vở kịch múa đồ sộ và hoành tráng về quy mô, lực lượng diễn viên tham gia và công nghệ phụ trợ (màn hình Led). Tác phẩm tái hiện hình ảnh người con gái đất đỏ qua ngôn ngữ của nghệ thuật múa.

Việc hoàn thành “Khoảnh khắc bất tử” đã đánh dấu sự trở lại của loại hình nghệ thuật hàn lâm kịch múa trên sân khấu Việt từ sau vở “Mệnh trời tình đất”, một vở diễn được dàn dựng “ra tấm ra món”. Đội ngũ sáng tạo của “Khoảnh khắc bất tử” do nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Đặng Hùng và Đỗ Bảo đảm nhận phần âm nhạc, NSND Phạm Anh Phương, biên đạo múa Tuyết Minh và Hồng Phong đảm nhận phần vũ đạo cùng sự tham gia của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Nói như vậy để thấy, tác phẩm này đã huy động đội ngũ sáng tạo hùng hậu và là cuộc biểu dương về trình độ của nền vũ kịch Việt Nam. Ấy vậy mà, đã nửa năm nay, kể từ ngày ra mắt hoành tráng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, “Khoảnh khắc bất tử” vẫn “im hơi kín tiếng” trên các sân khấu Thủ đô. 

Lý do là, các đơn vị tổ chức gồm Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã không còn đủ kinh phí để duy trì lịch diễn cho một tác phẩm có độ hoành tráng như “Khoảnh khắc bất tử”. 5 buổi biểu diễn trước đây vé mời đều được phát tới khán giả.

Dù cũng đã nghĩ tới việc bán vé ra rạp nhưng NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam đầy lo âu cho biết: “Các tác phẩm múa của Hội chưa bao giờ bán vé. Bên cạnh đó còn có nhiều khó khăn như phụ thuộc vào lịch biểu diễn của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, về lượng khán giả đến với múa… Đó là lý do khiến lãnh đạo của Hội chưa dám nghĩ tới việc đưa tác phẩm ra rạp”.

Trong khi đó, biên đạo múa Tuyết Minh, tác giả kịch bản của vở diễn đánh giá: “Đáng lý, “Khoảnh khắc bất tử” với mức đầu tư lớn và diễn viên lên tới 170 người phải như phim “bom tấn”. Nhưng thật tiếc, tác phẩm vẫn không thể sống nếu thiếu “nguồn sữa mẹ”. Hơn thế, “Khoảnh khắc bất tử” là “đứa con chung” giữa Hội Nhạc sỹ Việt Nam và Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam nên chỉ cần một trong hai bên nhãng ra là “đứa con” này sẽ không thể lớn”. 

"Khoảnh khắc bất tử" lẽ ra phải là... "bom tấn" ảnh 2Biên đạo múa Tuyết Minh tặng hoa nữ diễn viên chính của vở diễn 

“Đắp chiếu” vì sự lệ thuộc

Khi hỏi nghệ sỹ Tuyết Minh, có phải do tác phẩm quá đồ sộ là một trong những lý do khiến “Khoảnh khắc bất tử” khó tiếp cận với thị trường, chị cho là không đúng. Lấy ví dụ về vở ballet “Hồ thiên nga” nổi tiếng của xứ sở bạch dương rất đồ sộ nhưng chưa bao giờ giảm sức hấp dẫn đối với người xem. Theo chị, vấn đề nằm ở cách dàn dựng làm sao để vở sinh động và hấp dẫn hơn.

Ở đề tài chiến tranh cách mạng và làm theo đơn đặt hàng của Nhà nước, tác phẩm kịch múa “Khoảnh khắc bất tử” ngay từ đầu đã lệ thuộc vào lượng khán giả vé mời và nguồn kinh phí của Nhà nước. Nếu được làm “Khoảnh khắc bất tử” từ nguồn vốn xã hội hóa, biên đạo múa Tuyết Minh khẳng định, chị sẽ làm khác và có cách tiếp cận gần gũi hơn với người xem. Chị sẽ chọn diễn viên là những vũ công nổi tiếng, có thương hiệu. Khoản tiền đầu tư sẽ được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng và thực sự là một bài toán kinh tế đau đầu. 

Đầu tư lớn, tác phẩm “đắp chiếu” là việc không chỉ người trong cuộc mà ngay công chúng cũng cảm thấy xót xa. Những kỳ cuộc của Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam đã qua đi, thời gian tới, tác phẩm hoành tráng này chắc sẽ ít có cơ hội tái hiện trước khán giả. Những hình ảnh đáng nhớ và hào hùng về nữ Anh hùng Võ Thị Sáu sẽ nằm lại trong tâm trí của ê kíp dàn dựng và một số ít khán giả đã từng được thưởng thức tác phẩm. “Khoảnh khắc bất tử” sẽ chẳng thể nào bất tử nếu không tiếp cận được với khán giả. Vòng luẩn quẩn này vẫn luôn ám ảnh những sân khấu, dù được đầu tư tiền tỷ.