Khoảng tối kỳ thị màu da

ANTĐ - Cho dù ông Barack Obama đã mở ra một kỷ nguyên mới tại nước Mỹ khi trở thành vị tổng thống da màu đầu tiên, song kỳ thị người da màu vẫn là một vấn đề bức bối không dễ gì xóa bỏ tại quốc gia đa chủng tộc này.

Biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc tại New York

Kết quả một cuộc thăm dò dư luận mà hãng thông tấn lớn nhất nước Mỹ AP vừa công bố ngày 27-10 khiến những người da màu tại nước này không khỏi thất vọng và lo ngại. Theo đó, thái độ phân biệt chủng tộc của người Mỹ, đặc biệt đối với người da màu, vẫn chưa được cải thiện trong 4 năm qua kể từ khi cử tri nước này bầu ông Obama là vị tổng thống da màu đầu tiên. 

Theo kết quả thăm dò, 51% số người Mỹ được hỏi ý kiến đã công khai tỏ rõ thái độ kỳ thị đối với người da màu gốc Phi, trong khi con số này trong cuộc thăm dò tương tự tiến hành năm 2008 là 48%. Bên cạnh đó, tỷ lệ không mấy thiện cảm đối với người da màu cũng lên tới 56% so với 49% năm 2008. 

Trong cả 2 cuộc thăm dò năm 2008 và 2012, số người Mỹ được hỏi ý kiến có cảm tình với người da màu đều giảm. Ngoài ra, cũng có tới 57% số người được tiến hành thăm dò ý kiến cũng không mấy thiện cảm với người Mỹ gốc Latin, mặc dù họ không công khai thể hiện điều này. 

Có thể nói kết quả thăm dò của AP đã gây bất ngờ và thất vọng với không ít người Mỹ, đặc biệt là cộng đồng người Mỹ gốc Phi vốn chiếm khoảng 14% số dân nước Mỹ. Tuy chế độ nô lệ ở Mỹ đã chấm dứt từ năm 1865, song cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng, trong đó có việc chống kỳ thị và phân biệt đối xử của các cộng đồng không phải là da trắng vẫn tiếp diễn từ đó đến nay.

Chiến thắng của ông Obama trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11-2008 được xem là bước ngoặt lịch sử trong cuộc đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc, nhất là đối với người da màu gốc Phi. Bởi đây là lần đầu tiên một người Mỹ da màu được cử tri nước này bầu chọn là tổng thống.

Sau chiến thắng lịch sử của ông Obama, vị thế của người da màu đã được nâng cao đáng kể tại nước Mỹ. Hiện số nghị sĩ người Mỹ gốc Phi giữ cương vị lãnh đạo trong các cơ quan lập pháp bang ở Mỹ đã tăng đáng kể. Cụ thể tăng từ 401 người hồi năm 1986 lên 628 người hiện nay và chiếm 9% trong tổng số các nghị sĩ ở các bang, trong đó Chủ tịch Hạ viện bang California lớn nhất nước Mỹ là nữ nghị sĩ gốc Phi Karen Bass. 

Thế nhưng, kết quả thăm dò của AP cũng cho thấy một khoảng tối vẫn còn rất lớn trong xã nội nước Mỹ, đó là vấn đề kỳ thị và phân biệt chủng tộc và bức bối nhất là đối với người da màu Mỹ gốc Phi. Bình luận về kết quả cuộc thăm dò này, Giám đốc Fredrick Harris Viện nghiên cứu về người Mỹ gốc Phi thuộc đại học Colombia cho rằng, điều này cho thấy sự gia tăng khoảng cách trong xã hội Mỹ.

Giới phân tích nhận định rằng, sự kỳ thị người da màu có thể khiến đương kim Tổng thống Obama mất 5% số phiếu ủng hộ trước ứng cử viên Tổng thống Mitt Romney của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 6-11 tới. Tuy nhiên, ông Obama cũng có thể sẽ giành được 3% số phiếu ủng hộ từ những người có thiện cảm với người da màu. Như vậy, thái độ kỳ thị người da màu của người dân Mỹ sẽ chỉ có thể khiến ông Obama mất 2% số phiếu ủng hộ.