Khoảng 10 ngày nữa mới giải phóng hết hơn 4.000 xe nông sản tồn ở các cửa khẩu Lạng Sơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tính từ thời điểm giữa tháng 11/2021 khi Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khảo sát các tỉnh biên giới, lượng xe container dồn ứ tại Lạng Sơn đã tăng từ 1.700 xe lên đến 4.000 xe.

Từ cuối tháng 11/2021 đến nay, do gia tăng mức độ phòng, chống dịch Covid-19, lực lượng chức năng của Trung Quốc đã tăng cường một số biện pháp kiểm dịch đối với người, phương tiện nhập khẩu khiến lượng xe vận chuyển nông sản ùn ứ ở cửa khẩu rất lớn, có thời điểm lên đến 4.000 phương tiện.

Trước tình hình này, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã có văn bản gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hiệp hội Rau quả Việt Nam; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam triển khai một số giải pháp.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách Zero Covid-19 đối với hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu vào Trung Quốc dẫn đến việc giảm tốc độ thông quan xuống còn 50% so với trước đây.

Việc này đã gây ra ùn ứ rất lớn lượng xe vận chuyển nông sản tại các cửa khẩu và áp dụng các biện pháp kiểm tra Covid-19 trên bao bì hàng hóa, tăng cường công tác kiểm dịch thực vật đối với hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc.

Hàng nghìn xe chở nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc ùn tứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn

Hàng nghìn xe chở nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc ùn tứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn

Tính từ thời điểm giữa tháng 11/2021 khi Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khảo sát các tỉnh biên giới, lượng xe container dồn ứ tại Lạng Sơn đã tăng từ 1.700 xe lên đến 4.000 xe.

Dự báo thời gian tới, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là chuẩn bị dịp Tết Nhâm Dần năm 2022 khi nhu cầu hàng nông sản, thủy sản tại Trung Quốc tăng cao, để đảm bảo thông quan hàng hóa, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề nghị các Sở NN&PTNT báo cáo UBND tỉnh và phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan (Sở Công Thương, Sở GTVT,...) thông tin đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có phương án xử lý và bảo quản hàng nông sản, thủy sản tại địa phương.

Đồng thời, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, phối hợp với các tỉnh biên giới, đặc biệt là Lạng Sơn, thông báo cho các doanh nghiệp làm việc với đối tác nhập khẩu bố trí thời lượng đưa xe lên cửa khẩu để đảm bảo phù hợp với năng lực thông quan và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần "kiểm soát các cơ sở vùng trồng, thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc xuất xứ, quy định nhãn mác, bao bì sản phẩm, quản lý hồ sơ doanh nghiệp theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng đảm bảo đủ điều kiện thông quan khi hàng đưa lên cửa khẩu".

Được biết, từ cuối tháng 11/2021 đến nay, do gia tăng mức độ phòng, chống dịch Covid-19, lực lượng chức năng của Trung Quốc đã tăng cường một số biện pháp kiểm dịch đối với người, phương tiện nhập khẩu khiến thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa bị kéo dài.

Không những thế, từ ngày 8/12/2021, Trung Quốc tạm dừng hoạt động thông quan hàng hóa qua cửa khẩu song phương Chi Ma (Lạng Sơn).

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chỉ còn 3 cửa khẩu thực hiện hoạt động thông quan hàng hóa (Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Ga Đường sắt Quốc tế Đồng Đăng, Cửa khẩu Tân Thanh).

Trong bối cảnh đó, lượng phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu từ các địa phương khác lên khu vực cửa khẩu lại tăng cao (từ 1.500 – 1.700 phương tiện/ngày), khiến cho lượng phương tiện bị ùn ứ tăng cao.

Để giảm áp lực cho các doanh nghiệp, Sở Công Thương Lạng Sơn đã thường xuyên thông tin về tình hình xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh tới các địa phương, các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu qua Lạng Sơn để các địa phương, các doanh nghiệp chủ động điều tiết lượng hàng xuất khẩu đưa lên cửa khẩu của tỉnh; giảm tải lượng ùn tắc tại khu vực cửa khẩu, qua đó tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thông quan hàng hóa.

Các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn hy vọng khoảng 10 – 12 ngày tới sẽ giải phóng hết lượng phương tiện tồn tại các cửa khẩu.