Khóa 200 gian hàng online vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm, dược mỹ phẩm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Do người bán và người mua không gặp nhau trực tiếp nên rủi ro khi mua phải thực phẩm kém an toàn trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT) đối với người tiêu dùng là rất cao.
Lực lượng QLTT kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất mật ong giả

Lực lượng QLTT kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất mật ong giả

Sáng nay (30-6), Bộ Công Thương tổ chức hội thảo: “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới”.

Ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT- Bộ Công Thương) cho hay, tình trạng gian lận thương mại trên các sàn TMĐT hiện đang là vấn đề nhức nhối đối với cơ quan chức năng, đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước những chiêu thức ngày càng tinh vi của các trang mua bán điện tử.

“Mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp, trong khi đó các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT để vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp. Việc xử lý vi phạm đối với các hành vi gian lận thương mại trên các sàn TMĐT cũng gặp không ít khó khăn, do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” này không đơn giản”- ông Trần Hữu Linh nói.

Chia sẻ cụ thể hơn về những vi phạm về an toàn thực phẩm trên môi trường TMĐT, ông Nguyễn Đức Lê- Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục QLTT) cho hay, TMĐT đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế nói chung và với công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý và ngăn chặn các hành vi vận chuyển, kinh doanh, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử nói riêng; Nhất là thương mại điện tử về thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Đức Lê, dịch Covid-19 làm cho nguồn cung ứng thực phẩm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguồn thực phẩm không đảm bảo chất lượng, thực phẩm giả mạo gia tăng.

Lực lượng QTT gần đây phát hiện, xử lý một cơ sở sản xuất mật ong “giả”, là sản phẩm pha chế, kém chất lượng, rất nguy hại cho người tiêu dùng. Chưa kể, các vụ việc kiểm tra, tạm giữ các lô hàng thực phẩm đông lạnh đã hết hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn diễn ra thường xuyên, cho thấy an toàn thực phẩm là vấn đề nhức nhối.

Đại diện cho cơ quan tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng về vi phạm an toàn thực phẩm, ông Trịnh Anh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho hay, TMĐT phát triển bùng nổ khiếu khiếu nại về mất an toàn thực phẩm gia tăng. Cơ quan này tiếp nhận hàng loạt khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến các sản phẩm sữa như: hộp bị phồng, quá hạn sử dụng, sữa bị mốc… ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền- Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), từ năm 2021 đến nay, Cục đã phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thông qua Tổ xử lý phản ứng nhanh đã khóa 200 gian hàng, trên 500 sản phẩm vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm, dược mỹ phẩm.

Tuy nhiên, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp. Vi phạm không chỉ xảy ra tại các sàn TMĐT mà còn tại nhiều shop bán qua mạng xã hội.

Do đây là lĩnh vực liên quan đến quản lý của nhiều Bộ, ngành nên bà Nguyễn Thị Minh Huyền cho rằng, cần có sự chung tay của các cơ quan liên quan mới ngăn chặn được vi phạm. Ở góc độ của Cục, Cục sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, phối hợp với các đối tác để truy xuất nguồn gốc sản xuất và triển khai gian hàng trực tuyến quốc gia trên sàn TMĐT để người dân có thể tiếp cận được các sản phẩm an toàn hơn.

Cùng với đó, người dân cũng cần nâng cao nhận thức, cần mua hàng tại những địa chỉ uy tín để giảm thiểu rủi ro.