Khó xóa chênh lệch lương hưu nếu đề xuất cùng một mức tăng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, nếu quy định một mức điều chỉnh chung cho tất cả các nhóm đối tượng hưởng lương hưu sẽ làm cho khoảng cách về mức hưởng giữa các nhóm ngày càng lớn và thiếu sự chia sẻ giữa nhóm có mức hưởng cao với nhóm có mức hưởng thấp.
Chi trả lương hưu cho người thụ hưởng tại cơ quan bưu điện
Chi trả lương hưu cho người thụ hưởng tại cơ quan bưu điện

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có văn bản tham gia ý kiến dự thảo Tờ trình và Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng do Bộ LĐ-TB&XH xây dựng.

Tại dự thảo nghị định, cơ quan soạn thảo đề xuất điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng cho 8 nhóm đối tượng từ ngày 1/1/2022.

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, mức điều chỉnh 15% nhằm đảm bảo bù đắp trượt giá để duy trì giá trị của khoản lương hưu, trợ cấp hiện hưởng của người thụ hưởng do tác động bởi yếu tố lạm phát. Đồng thời, chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế của 3 năm 2019, 2020 và năm 2021, do trong năm 2020 và năm 2021 không thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Mức điều chỉnh trên thấp hơn mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội trong ba năm 2019, 2020 và năm 2021 (khoảng gần 17%). Như vậy, phù hợp với tốc độ tăng trưởng đầu tư của quỹ bảo hiểm xã hội.

Về nội dung đề xuất này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, cơ quan nay thống nhất phương án đề xuất thời điểm điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng từ ngày 01/01/2022.

Tuy nhiên, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, dự thảo quy định một mức điều chỉnh chung cho tất cả các nhóm đối tượng thụ hưởng sẽ làm cho khoảng cách về mức hưởng giữa các nhóm ngày càng lớn và thiếu sự chia sẻ giữa nhóm có mức hưởng cao với nhóm có mức hưởng thấp hơn.

Liên quan đến mức điều chỉnh tăng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, lãi suất đầu tư bình quân quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2019 là 5,8%, năm 2020 là 5,02%, năm 2021 dự kiến mức lãi suất đầu tư bình quân thấp hơn năm 2020 và số tiền lãi đầu tư không chỉ phân bổ riêng cho quỹ hưu trí và tử tuất nên việc căn cứ mức lãi suất đầu tư bình quân khoảng 17% trong ba năm 2019, 2020 và năm 2021 để xác định mức điều chỉnh chung là chưa thật chính xác. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm về mức điều chỉnh chung để phù hợp hơn với khả năng chi trả của quỹ.

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cân nhắc thêm về đề xuất tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng đối với người nghỉ hưu trước 1/1/1995 vượt mức tăng chung.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nếu điều chỉnh bổ sung đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng trước ngày 01/01/1995 sau khi điều chỉnh theo mức chung mà có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng dưới 2.500.000 đồng/tháng sẽ gây bất bình đẳng với nhóm có mức hưởng thấp sau tháng 01/1995.