Khiên cưỡng là không nên!

ANTĐ - Trong phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều nhất trí ghi nhận thành công của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, không ít ý kiến cũng cho rằng sức khỏe của nền kinh tế vẫn còn nhiều vấn đề nan giải như tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, các tập đoàn kinh tế, tồn kho chưa giải quyết triệt để, kể cả tồn kho bất động sản. Đã thế còn xuất hiện “tồn kho” chính sách, văn bản pháp luật và cơ sở dữ liệu hoạch định kế hoạch.

Nhìn nhận “bức tranh” kinh tế, các đại biểu ghi nhận những điểm sáng nổi bật. Quá trình xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đang có những dấu hiệu tích cực. Đến nay đã có 20 tổ chức tín dụng “xếp hàng” chờ đăng ký bán nợ xấu, trong đó có 13 tổ chức nộp hồ sơ. Số nợ xấu gốc đã mua được của 8 tổ chức là 8.700 tỷ đồng. Theo phân loại nợ, trong số nợ xấu mua được, có 67% thuộc lĩnh vực bất động sản, hơn 22% thuộc lĩnh vực sản xuất. Chỉ số giá tiêu dùng 10 tháng năm 2013 đã cơ bản được kiềm chế, lần đầu tiên sau 10 năm qua không lặp lại chu kỳ “2 năm cao, 1 năm thấp”. Đây là tín hiệu khả quan để cả năm nay ước chỉ tăng dưới 7%. Đạt được kết quả này, có nguyên nhân từ yếu tố tâm lý “co cụm, thủ thế” của doanh nghiệp, nếu hoạt động tốt thì dù lãi suất vay có giảm xuống họ vẫn chưa muốn vay. Doanh nghiệp gặp khó khăn muốn vay dù lãi suất có cao, nhưng ngân hàng lại không dám cho vay vì sợ rủi ro. Còn có nguyên nhân là người tiêu dùng có thu nhập thấp vẫn “thắt lưng buộc bụng”, còn người dư dả thì gửi tiết kiệm hoặc mua vàng “tích cốc phòng cơ”.

Theo dự báo, có những yếu tố có thể đẩy lạm phát cao lên trong 2 tháng cuối năm và đầu năm sau. Giá lương thực tăng cao khi năng suất, sản lượng bị giảm do sâu rầy, miền Trung bị lũ lụt. Giá rau củ quả từ vài tháng nay tăng cao; giá thịt gia súc, gia cầm sẽ đắt lên do người chăn nuôi trữ Tết, trong khi Tết Nguyên đán đến sớm hơn năm ngoái. Đáng lưu ý là, tín dụng sẽ tăng dồn vào cuối năm, nếu tỷ giá tăng lên sẽ làm cho chi phí đẩy tăng lên. Nền kinh tế có “ấm” lên hay không, phụ thuộc nhiều vào sự kiên định và đồng bộ trong phối hợp chính sách. Theo ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, lạm phát được kiểm soát trong một thời gian khá dài và đang giảm dần, ổn định quanh mức 7% là tín hiệu tích cực tạo nền tảng cho sự ổn định lạm phát trung hạn. 

Kiên định ổn định kinh tế vĩ mô là một giá trị cốt lõi đã được Chính phủ khẳng định nhiều lần. Song, nếu quá ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, coi nhẹ duy trì tăng trưởng, đầu tư xã hội hợp lý, thì doanh nghiệp sẽ khó gượng dậy, phục hồi. Vì thế, không nên khiên cưỡng giữa hai mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng.