“Khi hoa nở trái mùa”

ANTĐ - “Khi nào cây hoa sữa chết khô bỗng nở hoa xanh tươi trở lại, tôi sẽ đồng ý để em được tự do” là nút thắt của chuyện tình oan trái nhưng thấm đẫm tình người trong vở cải lương “Khi hoa nở trái mùa”. Và quá trình đi gỡ nút thắt ấy, đạo diễn Trần Quang Hùng đã dẫn dắt khán giả đến sức hấp dẫn của nghệ thuật cải lương khi chuyển tải hơi thở cuộc sống đương đại trên sân khấu nghệ thuật truyền thống. Vở diễn vừa ra mắt khán giả tại rạp Hồng Hà.

Đưa nghệ thuật cải lương đến gần hơn với công chúng bằng việc đưa nhịp sống đương đại vào vở diễn

Kịch tính ngay từ phút mở màn

Dựa trên kịch bản văn học của nhà viết kịch Chu Thơm, đạo diễn Trần Quang Hùng đã dựng nên vở cải lương có kết cấu gọn nhẹ nhưng súc tích và hàm chứa nhiều ẩn ý về tình người bao la. Cho dù, được mở màn bằng những cảnh rất lãng mạn của tình yêu đôi lứa với bóng bay, hoa hồng… nhưng không vì thế mà vở diễn sa đà vào nhiều tình tiết không cần thiết. Kịch tính của vở diễn được đẩy lên ngay từ đầu bằng đêm tân hôn của đôi bạn trẻ. Bức thư của người yêu cũ Hoài (Hồng Nhung đóng) đến đúng vào thời khắc này. Và sự xuất hiện của nó khiến Phong (Quang Tuấn đóng) dấy lên mối hoài nghi về tình cảm và sự trong trắng của vợ mình. Sự ghen tuông quá đà đã khiến Hoài muốn quyên sinh để chứng tỏ sự trong trắng của mình…

Bắt đầu từ đó, nhiều lớp cảnh nối tiếp nhau để kể tiếp nỗi đau dai dẳng khi Hoài được cứu sống bởi người yêu cũ. Nhưng cuộc đời luôn có nhiều chuyện khó lường, với người yêu cũ, cô sống mà như đã chết, vật vờ như cái bóng khi hai người thuộc về hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Đạo diễn Trần Quang Hùng đã đưa cả sàn diễn thời trang cùng các cô người mẫu chân dài trong trang phục gợi cảm, đến âm nhạc “bay”, nhạc “lắc”… để dựng lên chân dung người chồng mới của Hoài, Thiết (Hoàng Viện đóng) một nhiếp ảnh gia suốt ngày rong ruổi với bóng hồng và ưa khám phá những phương trời xa xôi. Điều này hoàn toàn ngược lại với không khí ảm đạm trong gia đình với cái bóng vật vờ của người mẹ và cô con gái mắc bệnh hiểm nghèo. Cũng nhờ hiệu ứng nghệ thuật này mà khán giả đi xem cải lương nhưng lại như đang đi xem phim, chân thực và gợi cảm như cuộc sống vốn sao nói vậy.

Nhiều thủ pháp nghệ thuật đã được đạo diễn sử dụng khéo léo trong vở diễn

“Lấy ân trả oán”

Hình ảnh của cây hoa sữa chết khô, trơ trụi lá đã được sử dụng trong hầu hết thời lượng của vở diễn. Hoài, Thiết và Phong - người chồng đã bỏ cô vào đêm tân hôn đều nhắc đến cây hoa sữa như một biểu tượng của sự hồi sinh, sự khát khao hạnh phúc thật sự trong gia đình. 3 con người với 3 ước vọng, đuổi theo cái bóng của người mình yêu đều thách đố lẫn nhau và chính họ không bao giờ có thể tin nổi cây hoa sữa lại đột nhiên nở hoa trái mùa. Sự vô lý này đã đẩy tình huống kịch lên cao trào khi những lời thách đố giờ đây có thể thực hiện được… lại không ai dám bước qua. Hoài không dám bỏ chồng và cũng không dám trở lại với người chồng cũ.

Tính nhân văn của vở kịch đã đến từ việc “lấy ân trả oán”, người gây ra oan nghiệt trong cuộc sống của cô gái lại chính là người đã chung sống với cô trong suốt hơn 20 năm qua nhưng lòng hận thù chỉ thoảng qua như con gió và tan biến. Đọng lại trong lòng mỗi nhân vật, trong lòng khán giả là sự rộng lượng tha thứ, lòng nhân ái và yêu thương vô bờ. Chỉ có như thế, cây hoa sữa đang chết khô kia bỗng dưng lại nở những bông hoa ngát hương. Sự trái mùa cũng là một ẩn ý của đạo diễn khi anh muốn đề cập đến tình thương yêu của con người với con người mới đủ sức biến sự cằn cỗi trong tâm hồn trở nên khoáng đạt và rộng lượng hơn.

Vở diễn đã khép lại và đánh dấu sự thành công tiếp theo của đạo diễn Trần Quang Hùng trên con đường chinh phục nghệ thuật cải lương. Việc đưa cuộc sống đương đại vào nghệ thuật truyền thống và chuyển tải bằng một tiết tấu nhanh gọn cùng với nhiều hiệu ứng nghệ thuật hiệu quả là một cách làm đưa sân khấu cải lương đến gần hơn với công chúng.