Khi độc giả "sính ngoại "

ANTD.VN - So với những tác phẩm văn học cùng loại của thế giới, hầu như văn chương Việt không được người đọc lựa chọn. Một phần do văn chương của chúng ta bị đánh giá là yếu, nhất là ở dòng văn học trinh thám. Nhưng một phần cũng do định kiến của phần đông độc giả Việt với chính những tác phẩm văn học trong nước.

Hầu như văn chương Việt ít được độc giả lựa chọn

Không đọc vì quá bi quan? 

Nếu hỏi bất kỳ độc giả mê văn học trinh thám nào, chắc không ai không biết nhân vật thám tử Sherlock Homes của nhà văn Scotland - Arthur Conan Doyle hay tên trộm thế kỷ Arsene Lupin trong loạt truyện của nhà văn Pháp Maurice Leblanc. Hay thời gian gần đây là một loạt tác phẩm rất ăn khách của Dan Brown với những tác phẩm như “Mật mã Da Vinci”, “Pháo đài số”, “Biểu tượng thất truyền”… cũng được độc giả Việt săn tìm. Trái lại, khi nói đến một vài tác phẩm trong nước như “Cô Mặc Sầu”, “Hồ sơ một tử tù”, “Phiên bản” (Nguyễn Đình Tú); “Trại hoa đỏ”, “Câu lạc bộ số 7” (Di Li); “Có tiếng người trong gió”, “Sát thủ online” (Nguyễn Xuân Thủy)… hầu như không ai biết đến. 

Có một thực tế là lâu nay người Việt vẫn có cái nhìn tương đối khắt khe với truyện trinh thám. Nhiều người cho đây là dòng sách tiêu khiển, đọc cho vui, dễ dàng tìm thấy trên mạng nên thẳng thừng từ chối sách Việt, chẳng cần biết nội dung thế nào.

Trong một cuộc hội thảo về văn học trinh thám gần đây do Công ty Nhã Nam tổ chức, một độc giả được mời lên diễn đàn đã thẳng thắn “không mấy hứng thú với trinh thám Việt Nam” vì ngay từ đầu đã có ý nghĩ nếu so với tiểu thuyết nước ngoài thì “chắc là không bằng”. Độc giả này nhận định, nếu đã từng đọc những vụ án chấn động, những tình tiết đáng sợ, giật gân, những thủ đoạn lắt léo của tội phạm trong những cuốn truyện của nước ngoài thì khi đọc lại sách của Việt Nam, chẳng hạn như sách của tác giả Di Li thì thấy đơn giản quá, gần như là những chuyện… biết rồi. 

Dịch giả Đặng Anh Đào, người từng chuyển ngữ nhiều tiểu thuyết Pháp cho hay, bản thân bà cũng rất mê những tác phẩm trinh thám. Tuy nhiên, trong khi không ngớt lời khen ngợi những tác giả trinh thám của Anh, Mỹ và Thụy Điển thì với những tác phẩm nội, bà đưa ra một nhận định khá thẳng thắn: “Văn học trinh thám Việt Nam chỉ đứng hạng bét”.

Dịch giả Đặng Anh Đào cho biết: “Trước năm 1945, không kể truyện của Phạm Cao Củng thì tôi chỉ biết đến có nhân vật thám tử Lê Phong của Thế Lữ. Còn hiện nay gần như trinh thám bị bỏ quên. Nói là trinh thám nhưng toàn sách phiêu lưu, sách hình sự là chính. Tôi nhớ hơn chục năm trước từng có một tờ báo treo giải thưởng rất cao về truyện trinh thám nhưng cuối năm không tìm được tác phẩm nào để trao giải. Nói vậy để thấy văn học trinh thám Việt rất yếu”. 

Cần có cái nhìn rộng mở

Ở một số dòng sách văn học khác cũng chứng kiến hiện tượng những cái tên ngoại luôn là bảo chứng cho doanh số của tác phẩm, bất chấp việc nội dung hay hay dở. Một trường hợp đình đám khác phải kể đến “50 sắc thái” của E.L.James.

Mặc dù nhận không ít phê phán từ dư luận vì ngập tràn cảnh nóng, nhạt nhẽo về nội dung nhưng cuốn sách này vẫn ăn nên làm ra ở thị trường Việt. Khi từ khóa “50 sắc thái” trở thành xu hướng trên toàn cầu, thì không ít độc giả sẵn sàng bỏ số tiền để sở hữu bộ truyện này, dù giá thành của nó không hề rẻ. Người người đổ xô đi mua sách, thậm chí là xem phim, tải lậu trên mạng. Vì nó là trào lưu, vì nó nổi tiếng, chứ không phải hơn kém gì so với một vài cuốn sách Việt. 

Đổi lại, ở Việt Nam nếu nói đến dòng “sách người lớn” thì gần như không có, vì một tác phẩm nếu có số lượng phân cảnh “nóng” quá mức, đã không thể lọt qua hàng rào kiểm duyệt chứ đừng nói đến là tiếp cận độc giả. Thế nhưng không hiểu sao một tác phẩm như “50 sắc thái” vẫn được chấp nhận. Có thể nói, cơ hội cho người viết sách ở Việt Nam rất ít khi văn học chưa có thị trường, chưa có tiếng nói. Còn độc giả, cả những nhà chuyên môn vẫn giữ cái nhìn bi quan với văn học nội như trên, thì rất khó để xác lập nên cái gọi là “tiên phong”. 

Dòng sách trinh thám Pháp từng có thời gian bị coi thường khi bị gọi là “tiểu thuyết ba xu”, là thứ “văn chương vứt đi”. Thế nhưng với sự xuất hiện của nhiều tên tuổi như Geogres Simenon, Fred Vargas, Ian Manook… đã khẳng định lại sức hút của dòng văn học tưởng như bị lãng quên này. Một phần vì văn học Pháp đã sản sinh ra những cây bút xuất sắc, nhưng cũng một phần do độc giả Pháp đã có cái nhìn rộng mở hơn với dòng sách này. Còn độc giả Việt, vì sao vẫn khư khư định kiến?