Khi doanh nhân làm lãnh đạo VFF

ANTĐ - Việc đưa một doanh nhân lên làm lãnh đạo VFF như một đòi hỏi thực tế và ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), quyền Chủ tịch VFF là cái tên được chọn. 

Việc để doanh nhân làm chủ VFF như một xu hướng tất yếu

Vài ngày trước thời điểm bầu cử (25-3), “chủ tịch tương lai” Lê Hùng Dũng có nhiều phát biểu mạnh mẽ như tuyên bố sẽ làm quyết liệt, không nhận lương và chấp nhận chỉ trích. Ông Dũng cũng phản bác luồng ý kiến cho rằng một người không có chuyên môn bóng đá như ông nếu lên nắm quyền một Liên đoàn bóng đá sẽ làm việc kém hiệu quả với dẫn chứng: “Ngoại trừ ông Michel Platini xuất thân từ cầu thủ, Chủ tịch các Liên đoàn bóng đá châu Á và trên thế giới chẳng ông nào có chuyên môn bóng đá nhưng nhiều người vẫn làm tốt!”.

Dưới góc nhìn một chuyên gia, một cựu quản lý thể thao, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao I Nguyễn Hồng Minh cho rằng, giao VFF cho doanh nhân hay người Nhà nước làm chủ không quá quan trọng, thậm chí kinh nghiệm quản lý ở lĩnh vực khác sẽ giúp các nhà quản lý bóng đá thúc đẩy chuyên nghiệp hóa nhanh hơn. Vấn đề là những người được bầu phải có trách nhiệm đề ra và thực hiện mục tiêu đưa bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp bằng cách nào? Ngoài ra, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho rằng, dù VFF do doanh nhân lãnh đạo, song vai trò quản lý Nhà nước vẫn phải là hàng đầu. “Có điều, đối với các tổ chức liên đoàn, hiệp hội như VFF, cách can thiệp tốt nhất là vừa hỗ trợ vừa thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát để hoạt động đúng luật. Điều tôi phân vân, những người được bầu tới đây có thể phản ứng một cách nhanh, quyết liệt và chuẩn xác với những phát sinh trong quá trình vận hành bộ máy hay không? Vì ở đấy phải có sự kết hợp giữa VFF, các tổ chức thành viên và cả cấp quản lý Nhà nước, chứ mình VFF thôi không đủ”, ông Minh kết luận.