Khi bóng đá được "trợ thở" nhờ showbiz

ANTD.VN - Bóng đá không có khán giả là thứ bóng đá chết. Nhưng khán giả tới sân bóng cốt chỉ để xem ca nhạc, theo dõi thần tượng - nghệ sĩ của mình biểu diễn thì thứ bóng đá ấy cũng nguy kịch không kém.

Khi người hâm mộ tới sân bóng đá chỉ để xem ca nhạc

Trước trận TP.HCM gặp Cần Thơ ở vòng 7 V-League tuần vừa rồi, sân Thống Nhất bỗng náo nhiệt kỳ lạ bởi sự có mặt của hàng trăm khán giả tuổi teen trên khán đài hò reo cổ vũ. Dưới đường piste, một trong những ca sĩ đang hot nhất trong giới trẻ hiện nay - Sơn Tùng MTP say sưa hát những ca khúc hit đình đám.

Nếu không được giải thích, hẳn nhiều người sẽ lầm tưởng đây là một chương trình ca nhạc hoặc một minishow nào đó gặp gỡ fan hâm mộ của Sơn Tùng. Nhưng không, nam ca sĩ trẻ tới sân Thống Nhất biểu diễn theo lời mời của quyền Chủ tịch CLB TP.HCM Lê Công Vinh. Anh đến hát vài bài để khuấy động không khí và tất cả chỉ có thế.

Sân Thống Nhất đông vui và sôi động hơn hẳn những trận đấu khác. Đó là một tín hiệu đáng mừng. Công Vinh rất lấy làm hồ hởi: “Bóng đá và showbiz đều có sứ mệnh mang lại cho khán giả những phút giây giải trí. Tôi muốn khán giả được tới sân và giải trí đúng nghĩa dịp cuối tuần. Việc mời các ca sĩ tới hát và biểu diễn cũng vì mục đích này”.

Tuy nhiên, có một sự thật mà Công Vinh có lẽ đã xác định trước, nhưng vẫn không muốn thấy: Hầu hết các khán giả đến sân Thống Nhất để xem Sơn Tùng biểu diễn trước trận và khi trận đấu bắt đầu thì… đi về. Một CĐV chia sẻ trên một kênh truyền hình: “Em rất vui vì hôm nay đã được xem Sơn Tùng biểu diễn. Diễn xong thì em về thôi ạ vì em không biết gì về bóng đá cả!”.

Chiếc phao mà những nhà tổ chức nghĩ ra để cứu lấy những khán đài trống vắng xem ra chẳng có tác dụng là bao. Người xem showbiz thì chỉ quan tâm đến showbiz, còn bóng đá vẫn là số 0 trong mắt họ. Đó là còn chưa kể việc phản tác dụng khi nhiều CĐV chân chính cảm thấy họ như bị xúc phạm và coi thường.

Nhà báo Đỗ Tuấn chia sẻ, một người bạn trên mạng xã hội của anh khi nghe thông tin BTC mời Sơn Tùng MTP để lôi kéo fan đến sân Thống Nhất dự khán trận TP.HCM gặp Cần Thơ đã phản ứng: “Người ta muốn dùng Sơn Tùng MTP để phủ kín khán đài, vậy sự có mặt của chúng tôi ở trên sân để làm gì?”. Một câu hỏi lớn mà để trả lời thỏa đáng là vô cùng nan giải.

Bóng đá và showbiz vốn chẳng liên quan gì đến nhau. Showbiz suy cho cùng cũng chỉ “mua vui” được thêm phần nào cho bóng đá, còn để đóng vai trò “máy trợ thở”, giúp bóng đá tồn tại thì e hơi quá sức. Sân Cẩm Phả của Than Quảng Ninh đã chứng minh thực tế ấy. Hồi mới lên hạng, ông bầu của đội bóng này cũng liên tục mời những ca sĩ tên tuổi về biểu diễn phục vụ và lôi kéo khán giả tới sân.

Và khi đội nhà đá hay, đá đẹp và cuốn hút, thì chẳng cần tới những chiêu bài này nữa, khán giả đất Mỏ vẫn kéo đến sân ầm ầm để xem Vũ Minh Tuấn và các đồng đội thi đấu. Đến mùa giải 2017, thành tích trên sân cỏ đi xuống khiến cho các khán đài sân Cẩm Phả thưa người hơn. BTC có mời bao nhiêu ca sĩ đến hát cũng chẳng kéo lại được. Hay như ở sân Lạch Tray của Hải Phòng và sân Thanh Hóa ở xứ Thanh. Xưa nay, BTC các sân này hiếm khi nào phải mời ca sĩ về hát mà khán giả vẫn kéo đến sân đông như thường.

Suy cho cùng, việc nhiều ông bầu có ý định mời nghệ sĩ đến hát, biểu diễn trước mỗi trận đấu với mục đích lôi kéo khán giả tới sân, đều có nguyện ý tích cực. Chỉ có điều, dường như họ chưa  phân biệt được hai khái niệm “kéo khán giả tới sân” và “khiến khán giả yêu bóng đá”. Một đội bóng đá dở, thiếu tôn trọng khán giả thì cho dù có “mở cửa tự do” hay mời toàn ca sĩ nổi tiếng tới sân, cũng chẳng chinh phục được người hâm mộ.

Ngược lại, nếu một CLB chơi hay, đẹp mắt và thuyết phục, thì dù giá vé có đắt và không có chiêu trò gì, người ta vẫn kéo đến sân như trẩy hội. Bóng đá về cơ bản chỉ có thể tồn tại bằng chính chất lượng nội dung của nó, chứ không phải hình thái nào khác. Showbiz thì càng không.