Khi bác sĩ đem án tử thần ra phán xét: Không thể chủ quan

ANTĐ - Sau khi được chuyển lên BV K Trung ương điều trị, bệnh nhân Nguyễn Thị Th được nhập vào Khoa Ngoại lồng ngực. Chị cũng đã được chiếu chụp lại và cho đi làm khối u phổi, kết quả kết luận chị chỉ bị… “viêm phế quản mãn tính, không thấy có tế bào lạ”. Hai dòng kết luận ngắn ngủn nhưng lại mở ra cả một hy vọng, một trang đời mới, toàn thể người thân vỡ òa hạnh phúc còn bản thân chị như được sinh ra lần thứ 2. 

Bệnh nhân rất cần những lời động viên, chia sẻ của y bác sĩ (Ảnh minh họa)

Một lời nói, muôn nỗi đau

Không ai biết rằng gần một tuần trước ở giây phút đó, chị và cả gia đình đã từng rơi vào tình trạng hoảng loạn và tuyệt vọng. Sau ngày nhận “lời phán xét” của nhân viên y tế ở BV huyện, người thân, họ hàng, làng xóm đổ xô đến hỏi thăm, động viên, chia buồn và cả… xót xa cho chị, không khí gia đình lúc nào cũng như nhà có đám. Chồng chị nghe chỗ nào có thầy lang giỏi cũng tìm đến. Rồi đọc báo thấy nói về bài thuốc chữa ung thư bằng lá đu đủ, gia đình cũng làm theo… 

Dẫu sao, dù bị bác sĩ “phán xét” nhầm nhưng với nhiều người bệnh lại thấy là điều may mắn. Ngược lại, có những người bệnh bị “phán xét” chính xác nhưng lại bị ám ảnh cả đời. Cách đây chưa lâu, tại một hội thảo được tổ chức ngay tại BV Phụ sản Hà Nội, một phụ nữ bị nhiễm HIV hiện là thành viên của nhóm Sức trẻ (một nhóm đồng đẳng của những người có HIV ở Hà Nội) đã giàn giụa nước mắt khi kể lại câu chuyện về “những lời phát xét” mà mình là nạn nhân. Chị kể, gần chục năm trước chị vào BV Phụ sản sinh nở và giống như bao sản phụ khác đều hy vọng được mẹ tròn con vuông, chờ đón hạnh phúc. Thế nhưng khi lên phòng đẻ, thấy kết quả xét nghiệm của chị dương tính với HIV, cô y tá liền đưa cho cả phòng xem, không ai muốn lại gần chị. Có người còn độc miệng: “Đã nhiễm HIV còn chửa đẻ làm gì”. Rồi họ xoáy vào đoán già đoán non nghề nghiệp của chị… khiến chị uất ức, rơi vào tận cùng nỗi đau.

Đừng vội phán xét

Làm việc trong môi trường BV áp lực cao, thường xuyên phải đối mặt với những người mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, HIV, người bác sĩ, nhân viên y tế càng phải giữ đúng quy trình chuyên môn nghiệp vụ cũng như cách hành xử với người bệnh. Mọi lời nói được đưa ra về tình trạng bệnh của bệnh nhân phải chính xác, căn cứ trên kết quả khoa học chứ không thể vội vàng, phán bừa. Bác sĩ Nguyễn Văn Lợi, Khoa Ngoại lồng ngực - BV K Trung ương cho biết, để chẩn đoán, kết luận bệnh nhân mắc ung thư hay không thì buộc phải làm sinh thiết. Nếu thấy bệnh nhân có khối u thì chỉ được kết luận là có khối u, dù với kinh nghiệm của mình bác sĩ biết chắc đó là khối ung thư đi chăng nữa nhưng chưa sinh thiết mà phán ngay bệnh ung thư thì chỉ là chủ quan. 

Đề cập đến thái độ, ứng xử với bệnh nhân, bác sĩ Trần Tuấn Sơn,  Trưởng khoa Chống đau - BV Ung bướu Hà Nội chia sẻ: đau đớn, suy kiệt, tuyệt vọng là yếu tố khiến bệnh nhân ung thư khổ sở và có thể dẫn đến tử vong sớm. Vì vậy, việc điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân giai đoạn cuối cả về thể xác và tinh thần là rất quan trọng. Chỉ một lời nói, một cử chỉ của bác sĩ có thể làm bệnh nhân tủi thân, và có những suy nghĩ tiêu cực. Tại BV, nhiều trường hợp ung thư giai đoạn cuối, không muốn điều trị tiếp và chỉ nghĩ đến cái chết. Lúc này, bác sĩ phải là người động viên, an ủi, tiếp thêm tinh thần, nghị lực cho bệnh nhân. 

Theo ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức, hầu như những bức xúc hay sự không hài lòng của bệnh nhân đối với cơ sở khám chữa bệnh đều do thái độ của bác sĩ. Nâng cao chất lượng điều trị, trước hết phải nâng cao thái độ, ứng xử của thầy thuốc dành cho bệnh nhân. Bác sĩ đồng thời phải là nhà tâm lý học, biết chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, biết động viên, an ủi người bệnh. Và vì vậy, việc thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn, y đức, quy tắc ứng xử của cán bộ nhân viên y tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng.