Khát vọng và động lực vươn lên của dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dịch bệnh thử thách cả nhân loại. Dân tộc Việt Nam trong lịch sử đã kiên cường vượt qua bao gian lao, thử thách, thì giờ đây không lý gì lại để tuột mất khát vọng và động lực vươn lên. Cốt lõi là văn hóa và lợi ích quốc gia thì phải giữ bằng được. Đầu xuân, phóng viên An ninh Thủ đô và nhà sử học Dương Trung Quốc đều trăn trở làm thế nào phát huy được hết năng lực của chúng ta để vươn lên, làm thế nào gắn kết được tính hiện đại của thế giới với tính truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Cốt lõi là văn hóa và lợi ích quốc gia

- PV: Việt Nam chúng ta được kỳ vọng là những “con hổ mới” của châu Á trong phát triển. Ông nghĩ sao về động lực và khát vọng vươn lên của dân tộc và đất nước chúng ta trong bối cảnh cả nhân loại bị thử thách bởi dịch bệnh thế này?

- Nhà sử học Dương Trung Quốc: Ở phương Đông, con rồng, con hổ là biểu tượng của sự dũng mãnh, cường thịnh. Đó là mục tiêu mà chúng ta còn rất cần phải phấn đấu. Chúng ta có rất nhiều tấm gương đi trước, những nước đã được danh xưng là “hổ”, là “rồng” rồi, thì chúng ta phải học hỏi họ, trên nền tảng thực tế của đất nước, dân tộc, cốt lõi là văn hóa và lợi ích quốc gia.

- Trong lịch sử, năm Nhâm Dần 1002, Vua Lê Đại Hành thực hiện hàng loạt cải cách chính trị - hành chính (ban hành pháp luật, đổi tên đơn vị hành chính lãnh thổ, và trang bị lại cho quân đội)... Rồi năm Nhâm Dần 1242, nhà Trần tiến hành cải cách hành chính địa phương với quy mô lớn (chia lại đơn vị hành chính lãnh thổ, làm sổ hộ khẩu, ấn định cặn kẽ mức tô thuế)... Năm Nhâm Dần 2022, liệu có là cơ hội để chúng ta tiếp tục sự nghiệp đổi mới, vực dậy nền kinh tế và xã hội sau những mất mát, khó khăn do dịch bệnh?

100 năm Quốc khánh, 100 năm Việt Nam Tuyên ngôn Độc lập là một chặng đường dài, có cả thời kỳ chiến tranh và hòa bình. Quan trọng là nhìn vào, chúng ta rút ra được cái gì, làm thế nào đất nước chúng ta vượt qua được khó khăn để tiếp tục phát triển, giữ gìn được hòa bình và những bài học lịch sử cần học hỏi. Ví dụ như, bài học về lòng dân, bài học về sự đoàn kết, tính sáng tạo... Và nhân dân chính là người quyết định vận mệnh của đất nước”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

- Lịch sử luôn vận động không ngừng và chúng ta có thể có nhiều cách tính toán lịch khác nhau. Nhưng ở ta thì cứ 12 năm lại quay về một con giáp. Con giáp ứng với một con vật. Và mỗi năm mới đến, chúng ta thường gửi vào đó những kỳ vọng và ước mong.

Việc chúng ta trích lục lại các sự kiện xảy ra trong các năm con hổ là cách làm để kích thích cảm hứng xã hội. Điều đó là cần thiết! Nhưng quan trọng nhất là thực tiễn đất nước. Cải cách hành chính, phát triển xã hội là việc cần làm thường xuyên. Trước thực tiễn hiện nay là dịch Covid-19, càng đặt ra cho chúng ta bài toán phải ứng phó như thế nào để bước vào một thời kỳ “bình thường mới” một cách ổn định và bền vững.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Xác lập “bình thường mới” và nhìn nó như một bước tiến

- Có cơ sở nào để tin rằng, kinh tế ngay sau đại dịch Covid-19 sẽ bật lên, như biểu đồ hình sin, hết giáng là thăng?

- Trong lịch sử, mỗi khi ta xem lại một thời kỳ dịch bệnh thì thường đầy những trang sử ảm đạm, đau thương. Nhưng nếu ta nhìn kỹ, sẽ thấy đó là một cú hích cho sự phát triển.

Chẳng hạn như ở thế kỷ XV, khi xảy ra nạn dịch lớn tại châu Âu, số lượng người chết rất lớn. Chúng ta hiểu rằng, sức mạnh con người không chỉ nằm trong cơ bắp, mà phải là cơ khí.

Bây giờ cũng vậy, dịch Covid-19 xảy ra, chúng ta đã nói rất nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0, về công nghệ và chuyển đổi số... Tất nhiên, những mất mát là rất đau xót, nhưng rõ ràng mọi thứ đã phải thay đổi, từ trong từng gia đình đều phải nghĩ rằng con mình sẽ học online như thế nào... Cho nên, quan trọng là chúng ta phải xác lập được trạng thái “bình thường mới” như thế nào và nhìn nó như một bước tiến. Chúng ta hạn chế tối đa những mất mát, thiệt thòi, bảo vệ sinh mạng người dân, nhưng đồng thời cũng nhìn thấy những cơ hội nếu chúng ta nắm bắt được.

Tất cả mọi người trên lĩnh vực chuyên môn của mình, mỗi ngành của mình, đều có thể nhận thấy qua thời kỳ Covid-19 này, cái gì đang bó buộc chúng ta để tìm ra cách vượt qua và phát triển.

- Ông nghĩ sao về khát vọng và động lực vươn lên trước cột mốc 100 năm Việt Nam độc lập trong thế giới hiện đại?

- 100 năm là một chặng đường dài, có cả thời kỳ chiến tranh và hòa bình. Quan trọng là nhìn vào, chúng ta rút ra được cái gì, làm thế nào đất nước chúng ta vượt qua được khó khăn để tiếp tục phát triển, giữ gìn được hòa bình và những bài học lịch sử cần học hỏi. Ví dụ như, bài học về lòng dân, bài học về sự đoàn kết, tính sáng tạo... Và nhân dân chính là người quyết định vận mệnh của đất nước.

Chia sẻ ký ức cá nhân để tài sản xã hội ngày càng phong phú

- Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhà sử học Dương Trung Quốc từng giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập “Con giáp của tôi”. Triển lãm cá nhân của ông khá thú vị và được biết ông hiện sưu tập hơn 5.000 con lợn - hình tượng của sự trù phú, sung túc…

- (Cười) Thật ra các nhà sưu tập luôn có một tâm trạng, đó là vừa coi đây như cái thú vị, riêng tư của mình, nhưng cũng vừa muốn khoe khoang nữa. Do đó, thời điểm khi tôi mở triển lãm là lúc bản thân đã cao tuổi, thì nghĩ tại sao lại không mang ra khoe với mọi người. Bởi, nó không có giá trị như đồ cổ nhưng lại có giá trị về mặt tinh thần. Mỗi một hiện vật là một phần ký ức, nó nhắc ta nhớ đến bản thân ở thời điểm đó đã ở đâu, sưu tập trong hoàn cảnh nào... Đó là ký ức của tôi và tôi chia sẻ với mọi người!

Điều quan trọng nhất qua triển lãm tôi muốn kích thích mỗi người hãy sưu tập một cái gì đó, trên cơ sở yêu thích và sự tìm tòi của mỗi người, đặc biệt là các bậc phụ huynh đối với con cái của mình, với các bạn trẻ. Nếu xã hội đều phát huy cách làm này thì ký ức xã hội hay là tài sản xã hội sẽ ngày càng phong phú.

- Năm con hổ, ông có sưu tập hình tượng loài vật được mệnh danh là chúa sơn lâm, là vua của các loài vật?

- Tôi thì không đủ sức nữa rồi. Sở dĩ tôi sưu tầm con lợn là vì đây là con giáp của mình (Cười). Nhưng điều quan trọng là tôi muốn kích thích các bạn và tôi biết có những nhóm như Hội quán di sản chẳng hạn, mỗi năm họ đều đứng ra tổ chức một triển lãm nho nhỏ. Do thời gian tích lũy hiện vật chưa nhiều nên không thể làm lớn được như tôi, nhưng đó chính là sự kích thích thị trường, kích thích thị hiếu xã hội và tôi cho rằng xã hội rất cần sự đa dạng, phong phú như thế.

- Cuộc sống và công việc của ông luôn gần gũi với những tác phẩm nghệ thuật?

- Tôi làm lịch sử nhưng cũng nghiên cứu về xã hội đã qua, và trong xã hội dù ở thời nào cũng luôn có yếu tố thẩm mỹ mình phải quan tâm đến, trong đó có hội họa. Tuy ngành hội họa của chúng ta muộn mằn nhưng trên nền tảng của văn hóa dân gian dân tộc, chúng ta đã tiếp cận được đỉnh cao của văn hóa phương Tây, đặc biệt là nền hội họa Pháp và thành quả của nó là trường Mỹ thuật Đông Dương và thế hệ những họa sĩ Đông Dương.

Nhưng tôi cũng quan tâm nhiều hơn đến giai đoạn sau này, khi cá nhân tôi có cơ hội được quen biết rất nhiều anh em họa sĩ, rất nhiều phong cách của những người họa sĩ khác nhau. Tôi cảm thấy được sự vận động hay tính sáng tạo gắn bó rất chặt với thay đổi của xã hội. Như thời kỳ mà đất nước chúng ta còn rất khép kín, khi tiếp cận với những cái mới của thiên hạ, chúng ta mang đầy những mặc cảm, định kiến. Nhưng giờ đây, những người nghệ sĩ được tiếp cận hết sức rộng mở và phát huy được hết năng lực của mình, vấn đề là chúng ta phải gắn kết được tính hiện đại của thế giới với yếu tố truyền thống dân tộc để tạo ra cái riêng của mình. Do đó, xã hội chúng ta cần tạo ra môi trường để những người nghệ sĩ phát triển một cách tích cực, qua đó góp phần vào sự phát triển của đất nước.

- Cảm ơn những chia sẻ và chúc ông cùng gia đình xuân mới hạnh phúc, bình an!