Khánh kiệt, tầng lớp trung lưu Afghanistan cũng thành lao động chân tay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không được trả lương trong nhiều tháng và nhà có nhiều miệng ăn, Giáo sư người Afghanistan Khalilullah Tawhidyar gần đây đã tìm được công việc tạm thời tại một công trường xây dựng.
Giáo sư Tawhidyar trên giảng đường và trên công trường vận chuyển vật liệu xây dựng

Giáo sư Tawhidyar trên giảng đường và trên công trường vận chuyển vật liệu xây dựng

Cựu thành viên của lực lượng đặc nhiệm của chính phủ về cải cách giáo dục, giảng viên tiếng Anh tại Đại học Parwan ở phía Bắc Kabul này là một trong số hàng nghìn người Afghanistan thuộc tầng lớp trung lưu, có học thức đang phải chống lại cảnh đói nghèo khi nền kinh tế đất nước tiếp tục xuống dốc. “Tôi không có lựa chọn nào khác. Đó là câu chuyện của nhiều trí thức hiện giờ”, Giáo sư Tawhidyar nói đồng thời cho biết chưa nhận được lương trong 3 tháng.

Tawhidyar, người có bằng Thạc sĩ ở Ấn Độ và đã tham gia các khóa học ở Malaysia và Sri Lanka cho biết, anh chuyển sang lao động chân tay sau khi hết tiền và thức ăn. Thỉnh thoảng anh có đến trường đại học công lập nơi mình làm việc, các lớp học vẫn chưa mở lại vì thiếu kinh phí. Giống như nhiều hộ gia đình ở Afghanistan, Tawhidyar sống với đại gia đình của mình và 17 người sống phụ thuộc vào tiền lương của anh. Khi hết lương, người đàn ông 36 tuổi này vay mượn bạn bè và người thân, nhưng đã hết cách đây vài tuần. Khi đó, người vợ đang mang thai gần đến tháng cuối của anh đã bỏ lỡ hai cuộc hẹn với bác sĩ.

Syed Bashir Aalemy, Trưởng khoa tiếng Anh của trường đại học nơi Tawhidyar làm việc cũng đã lái taxi trong vài tuần qua. “Không còn cách nào khác. Nhưng với giá nhiên liệu tăng, công việc này cũng không ổn định”, ông Aalemy nói.

Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu làm việc trong ngành giáo dục, công chức, ngân hàng, truyền thông và viễn thông… là một trong những sản phẩm dễ thấy nhất của quá trình 20 năm phương Tây can dự vào Afghanistan. Hàng nghìn người đã chạy trốn trong cuộc di tản hỗn loạn vào giữa tháng 8. Đối với những người ở lại, tình trạng túng quẫn là điều phổ biến, ngay cả với những người khá giả.

Abdul, một cựu cảnh sát 41 tuổi ở Kabul và là cha của 4 đứa con cho biết, gần đây ông đã bán mảnh đất cuối cùng được thừa kế từ cha mình để mua một chiếc taxi. Nhưng ông chỉ kiếm được khoảng 300-500 afghanis mỗi ngày (tương đương 3,3-5,5 USD), hầu như không đủ cho các bữa ăn hàng ngày trong gia đình 6 người của mình.

Giáo sư Tawhidyar cho biết, vào một đêm giữa tháng 10, anh đã đăng một thông điệp đầy cảm xúc trên Facebook với hình ảnh đang vác vật liệu trên công trường xây dựng. “Tôi đang nghĩ về nơi tôi sẽ đến trong đời”. Bài đăng nhanh chóng lan truyền với hàng nghìn lượt chia sẻ trên mạng xã hội. Một số bạn bè của anh đã bày tỏ cảm thông và đề nghị giúp đỡ tài chính. Anh chỉ dám vay thêm 300 USD, bởi hiện đã mang một khoản nợ hàng nghìn USD. Anh nói, nếu không được nhận lương, anh sẽ tiếp tục lao động chân tay để mưu sinh trong những tháng ngày khốn khó này.

Afghanistan vốn phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng và đại dịch Covid-19. Kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền vào giữa tháng 8-2021, cuộc khủng hoảng tài chính của Afghanistan càng trở nên tồi tệ hơn. Hàng tỷ đô la viện trợ quốc tế đã cạn kiệt khi cộng đồng quốc tế giữ quan điểm cứng rắn với Taliban, trong khi dự trữ ngoại tệ của nước này bị phương Tây đóng băng.

Một báo cáo của nhóm này vào tháng trước cho biết, gần một nửa dân số Afghanistan - khoảng 19 triệu người - phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng. Một báo cáo gần đây của Liên hợp quốc cho biết, có tới 97% dân số nước này có thể rơi xuống dưới mức nghèo khổ vào giữa năm 2022. Trong bối cảnh đó, Victor Moses, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận CARE tại Afghanistan cho biết: “Bạn có thể thấy rất nhiều bác sĩ, giáo viên, thẩm phán bị buộc phải chuyển sang làm người bán hàng, lái xe taxi hoặc lao động chân tay”.