Khẳng định sức bền

ANTĐ - Vượt xa mục đích ban đầu là xã hội hóa công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT” được huyện Ba Vì thí điểm và nhân rộng trong 10 năm qua đã phát triển mạnh mẽ bằng nhiều hình thức, đem lại những hiệu ứng tích cực, góp phần quan trọng trong việc giữ vững ANCT-TTATXH, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế.

Ngày đầu gian truân…

Nhớ lại những ngày đầu mới xây dựng mô hình, ông Bạch Công Tiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì tâm sự: “Khó khăn lớn nhất là làm thế nào để triển khai phong trào một cách sâu rộng, không mang tính khẩu hiệu, hình thức mà vẫn phù hợp với điều kiện đặc thù của mỗi địa bàn và kêu gọi được sự hưởng ứng từ phía nhân dân”. Lo lắng này hoàn toàn có cơ sở bởi Ba Vì là huyện rộng nhất Thủ đô, với 31 đơn vị hành chính, phân bố trên 3 vùng địa hình rõ rệt là miền núi, đồi gò và đồng bằng ven sông. Năm 2002 - thời điểm bắt đầu được xây dựng thí điểm mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT”, trên địa bàn huyện Ba Vì cũng manh nha xuất hiện một số vấn đề phức tạp như tình trạng mua bán trái phép ma túy trên sông, trộm cắp, cướp giật tài sản trên các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ… Từ yêu cầu giải quyết dứt điểm các vấn đề mới phát sinh và dựa trên kết quả nghiên cứu, khảo sát về vai trò của các dòng họ trong một số phong trào như khuyến học, khuyến tài, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa… CAH Ba Vì đã đề xuất, lên kế hoạch xây dựng mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT”. Và không lâu sau đó, Cổ Đô đã được chọn làm xã thí điểm áp dụng mô hình sáng tạo này.

Theo Đại tá Lê Quang Kha - Trưởng Công an huyện Ba Vì, cùng với việc tiến hành khảo sát đánh giá tình hình ANTT, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” đã tranh thủ sự ủng hộ, tham gia đóng góp ý kiến của các Trưởng họ, người có uy tín để xây dựng các “phiên bản” mô hình phù hợp với điều kiện thực tế. Với vai trò nòng cốt, lực lượng công an đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia phong trào. “Ban đầu việc tiếp xúc, gặp gỡ gặp nhiều khó khăn do người dân một số xã hoặc sống trên núi cao, đi lại khó khăn hoặc không cố định nơi ở (do mưu sinh trên thuyền, bè). Nhưng sau một thời gian được tuyên truyền và thấy rõ ý nghĩa thiết thực của mô hình, 100% các gia đình đã tự nguyện ký cam kết không vi phạm pháp luật và còn đóng góp nhiều ý kiến quan trọng giúp hoàn thiện mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT” - đại diện CAH Ba Vì cho biết.


Nhờ sức lan tỏa mạnh mẽ nên chỉ sau 1 năm thí điểm, toàn huyện Ba Vì đã có 11 xã triển khai, xây dựng mô hình mới trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Dù áp dụng trong thời gian ngắn nhưng tại các địa bàn này, tình hình trật tự an toàn xã hội đã được cải thiện rõ rệt; ý thức tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã  hội của nhân dân cũng được nâng cao. Việc nhiệt tình tham gia mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT” cũng tạo điều kiện để nhiều dòng họ thực hiện hiệu quả một số phong trào ở cơ sở khác như: “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” hay “Đoàn kết, phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương, sống và làm việc theo pháp luật”…

“Gỡ” nhiều bài toán khó

Ông Nguyễn Tuấn Nhã - đại diện dòng họ Nguyễn Bá ở xã Cổ Đô cho biết, trước khi mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT” được khai sinh, việc kêu gọi bà con tại các xóm chài lên bờ định cư vẫn chưa đem lại kết quả như mong muốn. Nhưng đến cuối năm 2002, khi chính quyền địa phương và lực lượng nòng cốt trong các dòng họ tích cực vận động, hàng chục hộ dân đã từ bỏ cuộc sống sông nước, từng bước ổn định nơi ăn, chốn ở. Cũng nhờ hiệu ứng từ mô hình sáng tạo mà đến nay, Cổ Đô là một trong 3 xã trên địa bàn huyện Ba Vì không có người phạm tội, nghiện ma túy.

Còn ông Lý Văn Phủ - Trưởng dòng họ Lý, ở thôn Yên Sơn, xã Ba Vì vẫn nhớ như in thời điểm Chính phủ có quyết định thành lập Vườn Quốc gia Ba Vì. Khi đó, nhiều người dân đồng bào Dao vốn quen với cuộc sống du canh, du cư, chọc lỗ tra hạt vẫn không từ bỏ được lối sống phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. “Trước tình hình đó, các chi trưởng, người uy tín trong dòng họ Lý đã tuyên truyền cho con cháu chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, tuyệt đối không săn bắn, đốt nương, phá rẫy, làm ảnh hưởng đến ANTT” - Ông Lý Văn Phủ tâm sự.

Cùng với việc góp phần giải quyết một số vấn đề “nóng” như tình trạng buôn lậu trên sông, buôn bán ma túy tại xã đảo Minh Châu… thì chỉ trong thời gian ngắn, mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT” đã được triển khai tại 31/31 xã, thị trấn. Đặc biệt, nhiều địa phương đã có sự sáng tạo, đổi mới về tên gọi như “Xóm đạo, làng chài bình yên” ở Cổ Đô, “Tiếng kẻng bình yên” của đồng bào Mường, “Tiếng mõ an ninh” của đồng bào Dao… Sau 10 năm duy trì và phát triển, mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT” đang tiếp tục khẳng định ý nghĩa thiết thực, làm đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các phong trào tự phòng, tự quản.