Quy hoạch Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long:

Khả thi trước mắt, tầm nhìn dài lâu

ANTĐ - Sáng qua, 25-7, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức cuộc họp bàn về Đề án quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long (tỷ lệ 1/500) và Đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000). Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cùng sự tham dự của lãnh đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố.

Phối cảnh tổng thể không gian khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long

“Thiếu hình ảnh đặc trưng”

Đó là nhận xét của hầu hết các chuyên gia về bảo tồn di tích. Dù được ghi nhận như một di tích đặc biệt quan trọng đối với lịch sử Thủ đô và đất nước, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, thế nhưng Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long vẫn chưa có được hình ảnh đặc trưng của hoàng cung với quy mô lộng lẫy, như sử sách từng ghi. Hiện tại, nhiều hạng mục di tích đã bị thay đổi, một số xuống cấp. Do những biến thiên của lịch sử, nhiều công trình xây dựng với chức năng sử dụng tạm thời gây ảnh hưởng đến các di tích kiến trúc gốc. Tại Thành cổ, di tích lịch sử và di tích cách mạng còn lại vẫn chưa được quản lý, quy hoạch một cách hệ thống, xâu chuỗi trong lịch sử phát triển liên tục của di tích. Hai khu vực di chỉ khảo cổ 18 Hoàng Diệu và Thành cổ vẫn bị chia cắt bởi tuyến đường Hoàng Diệu, vì thế, chu trình tham quan tại đây không có tính liên tục, đồng thời khả năng kết nối giữa các điểm di tích vẫn còn nhiều hạn chế. 

Xác định chính xác, bảo tồn lâu dài

Kiến trúc sư Vũ Đình Thành - Phó viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn, Chủ nhiệm đề án quy hoạch cho biết, phạm vi nghiên cứu đề án rộng 18ha tập trung vào việc đánh giá hiện trạng di tích, công trình kiến trúc, tiềm năng khảo cổ, các dự án chỉnh trang, trùng tu, cải tạo… Đề án này còn đưa ra những ý tưởng về quy hoạch, cơ cấu sử dụng đất, phân khu chức năng, đồng thời đề xuất quy hoạch bảo tồn, tôn tạo các khu vực: Cột Cờ, Đoan Môn, Nhà và hầm Cục Tác chiến, Nền và thềm Rồng, Hậu Lâu, Cửa Bắc… Đề án đề xuất các biện pháp chính về nguyên tắc kết nối không gian lịch sử; Đề xuất việc ứng xử với các công trình kiến trúc (lập danh sách 119 công trình kiến trúc, xin ý kiến giữ lại công trình then chốt, hạ giải các công trình không quan trọng); phục dựng điện Kính Thiên… Liên quan đến vấn đề Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, trước đó tại cuộc họp ngày 6-5-2013 do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chủ trì nhằm lấy ý kiến thành viên Hội đồng tư vấn, sở, ban, ngành đơn vị liên quan, đã số các đại biểu đều cơ bản thống nhất, đồng tình với quan điểm, giải pháp đơn vị tư vấn đưa ra đồng thời có những ý kiến đóng góp thiết thực.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn đã nghiên cứu và triển khai xây dựng đề án một cách công phu và khoa học, nhấn mạnh vào các vấn đề bảo tồn, phát huy cũng như quy chế thực hiện. Đề án này vừa khả thi trước mắt vừa có tầm nhìn lâu dài. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố lưu ý, cần xác định một cách thận trọng và bài bản công trình nào cần phục chế, công trình nào cần bảo tồn, tôn tạo và công trình nào không có giá trị sử dụng. Cái gì có giá trị thì giữ, không phải cứ giữ tất cả, như thế cũng là hành động cản trở sự phát triển. 

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu nghiên cứu lại khu vực kết nối không gian giữa quảng trường, Lăng Bác và khu di tích. Cần nghiên cứu bãi đỗ xe tĩnh có đủ quy mô và sức chứa. Riêng về việc xây đường hầm, thống nhất đưa phương án trước mắt; phía trục Bắc Sơn có thể không làm nhưng ở trục điện Kính Thiên sang nhà Quốc hội nên để đường hầm…

Trong thời gian tới, các sở, ngành của Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp cùng Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn hoàn thiện đề án trình Chính phủ.

Cũng trong sáng qua, tại cuộc họp, Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn cũng đã trình bày các nội dung của Đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000). Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa được nghiên cứu gắn kết với Định hướng phát triển không gian Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.