“Kéo” người trẻ đến bảo tàng

ANTĐ - Bảo tàng Đông Nam Á - bảo tàng thực thể đầu tiên về các nước trong khu vực Đông Nam Á đã chính thức đi vào hoạt động. Nằm trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm kết nối văn hóa cộng đồng các quốc gia trong khu vực, đồng thời mở ra hướng đi mới trong phát triển bảo tàng Việt Nam... 

Không gian Bảo tàng Đông Nam Á

Hiện đại hóa các bộ sưu tập

Đến với tòa nhà “Cánh diều” - Bảo tàng Đông Nam Á (đường Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội), không khỏi bất ngờ trước cách bài trí chuyên nghiệp, hiện đại các hiện vật được trưng bày tại đây. Được bố trí diện tích rộng gần 500m2 ở tầng 1, không gian trưng bày thường xuyên về “Văn hóa các dân tộc Đông Nam Á” đưa tới cho người xem một hệ thống gồm 400 hiện vật phản ánh rõ nét đời sống tôn giáo, sinh hoạt, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn của các cộng đồng người trong khu vực. Đáng chú ý nhất trong bộ sưu tập này là hệ thống các đồ dệt, vải - với những chi tiết hoa văn tinh xảo như vải ikat của người Indonesia, Campuchia, vải batik của người Java, người Hmông/Miao… Cùng với đó là những sản phẩm mang những nét đặc trưng của tôn giáo bản địa, từ Hindu giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Công giáo, Shaman giáo… Điểm đặc biệt trong hệ thống sưu tập này là những sản phẩm đều được làm ra bởi những người dân bình thường, phục vụ trực tiếp cho cuộc sống của họ chứ không phải nhằm mục đích trưng bày. Cũng chính bởi lẽ đó chúng đều truyền tải hơi thở của cuộc sống đương đại, đồng thời thay đổi quan niệm của người xem khi đến với bảo tàng là chỉ xem “đồ cũ”, “đồ cổ”.   

Để có bộ sưu tập phong phú và có chất lượng, Bảo tàng Đông Nam Á đã thực hiện hàng chục chuyến đi đến các nước trong khu vực, từ năm 2006 đến 2010. Hiện nay, bảo tàng có trong tay 2.200 hiện vật cùng 5.000 ảnh tư liệu về Đông Nam Á, phục vụ cho công tác trưng bày cố định và chuyên đề. Trong giai đoạn đầu mới thành lập, Bảo tàng Đông Nam Á tập trung khai thác không gian ở tầng 1 và dự kiến đến cuối năm 2014 sẽ cho ra mắt gian trưng bày ở tầng 2 gồm 3 bộ sưu tập giá trị được những cá nhân trong và ngoài nước hiến tặng.

Các hiện vật gắn với đời sống của cộng đồng cư dân Đông Nam Á

Không bó buộc trong “tủ kính”

Chính thức đi vào hoạt động trong bối cảnh hoạt động bảo tàng ở Việt Nam vẫn còn chưa thực sự chuyển mình cũng là một thách thức không nhỏ đối với Bảo tàng Đông Nam Á. Trao đổi với phóng viên báo ANTĐ, PGS. TS Nguyễn Duy Thiệu – Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết, ngay từ khi Bảo tàng Đông Nam Á thành lập đã xác định những chiến lược hết sức cụ thể và rõ ràng. Trong đó mục tiêu hàng đầu vẫn là thu hút khách tham quan. Theo ông Nguyễn Duy Thiệu, thay vì trưng bày các bộ sưu tập cổ, bảo tàng tập trung khai thác văn hóa đương đại vốn đang bị bỏ trống, với các hiện vật đáp ứng tiêu chí thẩm mỹ và gắn bó thiết thực với đời sống cộng đồng nhằm tạo ra sự kết nối giữa khách tham quan với bảo tàng.

Bên cạnh đó, để thoát khỏi tình trạng trưng bày thụ động, đơn điệu như đa số các bảo tàng hiện nay, Bảo tàng Đông Nam Á sẽ tổ chức các hoạt động trình diễn như nghề thủ công, trình diễn văn nghệ cổ truyền, trò chơi dân gian với sự tham dự của các nghệ nhân trong khu vực. Điểm đặc biệt là người xem không chỉ được chiêm ngưỡng hiện vật mà còn tận mắt chứng kiến những thao tác, công đoạn, quá trình làm ra các hiện vật ấy, chẳng hạn như dệt sợi, làm mặt nạ hay trình diễn rối nước, rối cạn… qua bàn tay các nghệ nhân. Ngoài ra, bảo tàng cũng sẽ tổ chức các sự kiện nhân ngày Quốc khánh của các quốc gia hay các năm văn hóa của mỗi nước tại Việt Nam. Với chiến lược như vậy, Bảo tàng Đông Nam Á khẳng định sẽ hướng mục tiêu vào đối tượng trẻ giống như con đường Bảo tàng Dân tộc Việt Nam đang thực hiện. 

Tuy nhiên, một trong những khó khăn mà Bảo tàng Đông Nam Á đang gặp phải đó là bài toán bảo quản hiện vật – vốn là khâu thiết yếu nhằm bảo tồn sức sống của những giá trị văn hóa. Ông Nguyễn Duy Thiệu, cho biết, đội ngũ cán bộ nhân viên thực hiện công tác quản lý – bảo quản hiện vật còn tương đối mỏng, thiếu các phương tiện máy móc chuyên dụng dẫn đến nhiều hiện vật đang xuống cấp, có nguy cơ bị phá hủy. Để khắc phục điểm yếu này, Bảo tàng Đông Nam Á sẽ tiếp tục huy động dự án tài trợ, đồng thời đầu tư mạnh mẽ vào các hạng mục nhằm hỗ trợ cho công tác bảo quản, phục chế hiện vật.