“Kẻ thù” của phát triển

ANTĐ - Khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia cũng như ngay tại các quốc gia được xem là phát triển nhất thế giới đang được xem là một rào cản lớn cho sự phát triển.

“Kẻ thù” của phát triển ảnh 1Trung Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo đang gia tăng nhanh chóng

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 9-12 công bố một báo cáo cho thấy khoảng cách giàu - nghèo ở nhiều quốc gia trên thế giới đang ở mức cao nhất trong vòng 30 năm qua, tác động xấu lên sự phát triển của các quốc gia này. Điều đáng nói là khoảng cách này không chỉ ngày càng sâu hơn giữa các nước giàu - nước nghèo mà còn ngày càng trầm trọng hơn tại chính các nước giàu có, phát triển nhất thế giới.

Theo báo cáo trên, khoảng cách giàu - nghèo tại hầu hết các nước thuộc nhóm 34 thành viên OECD nằm trong nhóm nước giàu có và phát triển nhất thế giới đều gia tăng đáng kể trong thời gian dài và hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 30 năm qua. Hiện ở các quốc gia này, thu nhập của 10% số người giàu nhất cao gấp 9,5 lần thu nhập của nhóm 10% những người nghèo nhất trong khi đó tỷ lệ này là 7 lần trong những năm 1980 và liên tục tăng từ đó cho tới nay.

Theo OECD, khoảng cách giàu - nghèo giữa các quốc gia thành viên của tổ chức này cũng nhau. Trong khi khoảng cách này ở một số nước châu Âu và các quốc gia Bắc Âu tương đối nhỏ, thì ở các quốc gia còn lại có sự chênh lệch tỷ lệ thu nhập trung bình giữa nhóm 10% giàu nhất và 10% nghèo nhất rất cao. Điển hình như Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bồ Đào Nha hay Anh có tỷ lệ này là 10:1, song tại Hy Lạp, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có thể ở mức 13:1 đến 16:1, thậm chí ở Mexico và Chile còn nhảy vọt lên tới 27:1 và 30:1.

Cùng chung nhận định với OECD, tháng 10-2014, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng đưa ra cảnh báo rằng khoảng cách giàu nghèo tại nước này ngày càng tăng và gần đến mức độ cao nhất trong vòng 100 năm qua. Theo đó, khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo thể hiện rõ khi số tài sản của tốp 3% gia đình giàu có mức tăng thu nhập cao nhất đã tăng từ 44,8% trong năm 1989 lên 51,85% trong năm 2007 và 54,4% trong năm 2013.

Trước báo cáo công bố ngày 9-12, OECD hồi tháng 10 vừa qua cũng đã cảnh báo rằng sự bất bình đẳng thu nhập trên khắp thế giới ngày càng tăng và đây được xem là một trong những diễn biến về kinh tế-xã hội đáng lo ngại nhất trong vòng 200 năm qua. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế lưu ý, một trong những nước có sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập ấn tượng nhất là Trung Quốc - cường quốc đang trỗi dậy mạnh với hệ số Gini (một biện pháp đo lường phân phối thu nhập) đã tăng tới 50% trong giai đoạn từ năm 1980 đến 2000. 

OECD cho rằng chênh lệnh giàu - nghèo gia tăng đang tác động xấu lên nền kinh tế của các nước cũng như thế giới, trong đó khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang khiến tình trạng mất cân bằng thu nhập trở nên tồi tệ hơn tại các nền kinh tế hàng đầu, đồng thời trở thành nguy cơ lớn đối với các nền kinh tế “dễ bị tổn thương”. Từ đó, OECD kêu gọi thiết lập chương trình chống nghèo đói, tăng cường bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội… đi đôi với nâng cao cơ hội tiếp cận với đào tạo, giáo dục và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.