Kê đơn thuốc vô tội vạ: Nhập nhèm tên gọi

ANTĐ - Hiện nay, việc kê đơn thuốc được các bác sĩ tại không ít phòng khám tư nhân, thậm chí ngay cả một số bệnh viện kê rất vô tội vạ, nhiều loại thuốc không có chức năng điều trị bệnh, khiến đơn thuốc của người bệnh “đội” lên, trong khi tiền mất, tật vẫn mang... 

Người mua đang cân nhắc trước loại thực phẩm chức năng mà nhà thuốc tư vấn


Thuốc trị bệnh không có

Phản ánh tới Báo ANTĐ, bà Trần Thị H, 63 tuổi, ở đường Ngọc Lâm, quận Long Biên cho biết: “Cách đây một tháng, thấy đau đầu, chóng mặt, cứ ăn vào là nôn, sợ có khối u ở não nên tôi đã đi kiểm tra, chụp cắt lớp (CT) sọ não và làm một số xét nghiệm khác tại một bệnh viện ở phố Nghĩa Dũng, quận Ba Đình. Sau khi phải trả gần 2 triệu đồng cho tiền khám và làm các xét nghiệm, tôi được bác sĩ đọc kết quả và chẩn đoán bị thiểu năng tuần hoàn não.

Mất khoảng 15 phút hỏi han thói quen ăn uống, sinh hoạt vị bác sĩ kê 3 loại thuốc. Nhìn đơn thuốc mà đa phần là những tên thuốc rất lạ, có loại lên đến 100 viên, không phải loại mà tôi vẫn thường uống khi bị hạ huyết áp, đau đầu, chóng mặt (bởi lẽ tôi có tiền sử bị rối loạn tiền đình trước đó), nên tôi thắc mắc hỏi vị bác sĩ. Cuối cùng, ông ấy kê cho tôi một loại thuốc có tên là Tanganil (mà theo bác sĩ đây là loại thuốc chuyên điều trị chứng chóng mặt, đau đầu).

Tuy nhiên, khi đem đơn thuốc này ra hiệu thuốc gần nhà mua, tôi được dược sĩ ở đây cho biết, trong 4 loại thuốc mà bác sĩ đã kê điều trị bệnh cho tôi thì có đến 3 loại thuộc thực phẩm chức năng, không có tác dụng điều trị bệnh. Ngay cả Tanganil cũng được dùng như thuốc hỗ trợ chứ không phải là thuốc điều trị chủ lực”. Cuối cùng, sau khi dùng thuốc được 2 ngày mà bệnh không thuyên giảm, bà H đã phải đến bệnh viện 108 để khám lại. “Tôi mất hơn 3 triệu đồng cả tiền khám lẫn tiền thuốc tại bệnh viện tư nhân, vậy mà bệnh vẫn hoàn bệnh”, bà H kể lại.

Tương tự, chị Nguyễn Phương T, 21 tuổi đang có thai tháng thứ 4, ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Tuần trước tôi đến bệnh viện để khám thai định kỳ và được bác sĩ kê đơn trong đó có loại thuốc có tên là Gestoxemy, 3 hộp, mỗi hộp 60 viên.

Xem nhiều đơn thuốc của các sản phụ khác, tôi cũng thấy họ được bác sĩ kê đơn kèm theo loại thuốc có tên tương tự. Vì không biết tác dụng của loại thuốc này nên tôi đã vào trang webtretho để hỏi thì được biết đây là thực phẩm chức năng hỗ trợ phát triển xương, trí não, tăng cường sức khỏe tim mạch ở thai nhi và trẻ em. Không mua thuốc theo đơn thì không yên tâm, mà mua thì lãng phí vì có những loại thuốc không thực sự cần thiết. Tuy vậy, đa phần người bệnh cứ thấy bác sĩ kê gì là mua nấy, bởi tâm lý có bệnh thì phải theo bác sĩ khiến người bệnh không có sự lựa chọn nào khác.

Hai trường hợp kể trên chỉ là số ít những trường hợp bệnh nhân thăm khám tại nhiều phòng khám, bệnh viện mà các bác sĩ không thực hiện đúng quy trình kê đơn thuốc, thậm chí là kê đơn thuốc vô tội vạ. Không những chịu ảnh hưởng trong điều trị, tâm lý có bệnh phải vái tứ phương khiến cho nhiều bệnh nhân dù kinh tế không mấy dư dả vẫn “mất” tiền oan mà chưa chắc bệnh tình đã khỏi. Điều này đã khiến không ít bệnh nhân rất bức xúc.

Kê đơn tràn lan

Hiện những loại bệnh phải điều trị theo chỉ định của bác sĩ như viêm xoang, viêm họng, viêm phế quản, viêm đại tràng, dạ dày… bác sĩ thường kê đơn từ 6 - 10 loại thuốc, trong đó nhiều loại thuốc không cần thiết cho bệnh nhân và các đơn thuốc này khi mua tại quầy thuốc của phòng khám tư hay của bệnh viện đều có giá rất đắt. Kết quả một cuộc khảo sát gần đây tại một số bệnh viện tuyến Trung ương cho thấy, hiện có trên 50% số đơn thuốc được bác sĩ kê từ 6 - 10 loại thuốc, 10% đơn kê từ 11 - 15 loại thuốc và gần 2% đơn thuốc kê từ 16 - 20 loại thuốc. 

Nắm bắt tâm lý của người bệnh là muốn điều trị nhanh khỏi, nên một số bác sỹ tại các phòng khám tư, thậm chí cả bệnh viện đã kê đơn thuốc chủ yếu là thuốc ngoại, gồm nhiều loại thuốc khác nhau, trong đó có đến một nửa loại thuốc này người bệnh không cần dùng tới, chủ yếu là kháng sinh và thuốc “bổ” và thực phẩm chức năng. “Việc kê đơn thuốc tràn lan sẽ khiến cho người bệnh khi điều trị có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Bên cạnh đó người bệnh sẽ chịu một khoản chi phí lớn để trả cho số tiền thuốc mà đáng lý họ không cần thiết phải mua”, bác sĩ Nguyễn Xuân Trường - bệnh viện Quân y 108 nhận xét.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, thời gian qua đã có một số bệnh nhân phản ánh được bác sĩ kê đơn thuốc có cả thực phẩm chức năng gửi thanh tra Bộ, mặc dù việc này bị cấm trong quy định hiện hành. Trước đó, tại bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, bác sĩ đã kê Singlu giá 37.500 đồng/viên cho một bệnh nhân, khiến đơn thuốc bị đẩy giá lên 1.368.000 đồng, trong đó tiền thuốc chữa bệnh chỉ 243.000 đồng. Một bệnh nhân khác được kê 20 viên PS 100, cũng là một loại thực phẩm chức năng, giá tới 30.000 đồng/viên. Trong khi việc bác sĩ  kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc chỉ xảy ra tại số ít bệnh viện thì tại các bệnh viện, phòng khám tư tình trạng này dường như ngày càng phổ biến... 

Ðơn thuốc là chỉ định điều trị của người bác sĩ đối với bệnh nhân, nhằm giúp bệnh nhân có được những loại thuốc theo đúng phác đồ điều trị. Đây là một việc làm thường xuyên, có tính chất chuyên nghiệp của bác sĩ. Một đơn thuốc được coi là tốt phải có hiệu quả chữa bệnh cao, an toàn trong dùng thuốc và tiết kiệm. Trong một đơn thuốc mà có quá nhiều loại thuốc khi dùng đồng thời với nhau sẽ có nguy cơ tương tác hoặc tương kỵ thuốc mà nhiều khi các bác sĩ không lường trước được. Ðây cũng chính là nguyên nhân gây ra nhiều tai biến đáng tiếc.

(TS. Bác sĩ Trần Tuấn - Trung tâm Đào tạo và Phát triển cộng đồng)

(Còn nữa)