Kẻ bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng cần bị xử lý thích đáng!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vụ bạo hành trẻ trong Mái ấm Hoa Hồng ở TP. HCM đã khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ. Sau vụ việc, điều được nhiều người cho rằng cần có hình phạt nghiêm khắc với kẻ bạo hành.

Chiều 4-9, Sở LĐ-TB-XH, TP. HCM tổ chức buổi họp báo liên quan vụ trẻ em bị bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng. Được biết, Mái ấm Hoa Hồng là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí, được Phòng LĐ-TB-XH quận 12 cấp giấy phép hoạt động ngày 7-7-2023 với chức năng, nhiệm vụ là trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi, sống lang thang; số lượng không quá 39 trẻ; địa bàn hoạt động tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP. HCM; người đại diện theo pháp luật là bà Giáp Thị Sông Hương (50 tuổi).

Tại thời điểm kiểm tra, Mái ấm Hoa Hồng có 15 nhân viên đang làm việc và 86 trẻ, trong đó có 85 trẻ thuộc diện trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, 1 trẻ còn lại là con của nhân viên trong đơn vị này.

Hiện tổ công tác của Sở LĐ-TB-XH, TP. HCM và các cơ quan liên quan đang phối hợp kiểm tra thông tin, thực hiện các biện pháp can thiệp, hỗ trợ cho trẻ, đồng thời, tham mưu chính quyền địa phương phối hợp xử lý theo quy định hành vi vi phạm quyền trẻ em. Công an quận 12 cũng đã làm việc với chủ cơ sở, người nghi vấn có hành vi bạo hành trẻ em và các nhân viên của cơ sở.

Hình ảnh bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng khiến dư luận phẫn nộ
Hình ảnh bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng khiến dư luận phẫn nộ

Phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, bạo hành hay bạo lực trẻ em là các hành vi gây tổn hại về cả thể chất lẫn tinh thần đối với trẻ em. Mọi hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em là trái pháp luật và phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.

Qua clip ghi lại cảnh từ đêm đến sáng hôm sau, mỗi ngày, bảo mẫu tên Tuyền (47 tuổi) ở Mái ấm Hoa Hồng không ngừng hành hạ trẻ sơ sinh như xách 1 tay bé gái ném lật úp xuống nệm, rồi tát mạnh vào đầu, đấm liên tiếp vào gáy bé, ngồi lên người, nhéo lỗ tai, bạo hành dã man bé trai 7 tháng tuổi, lật úp rồi tát, đấm mạnh vào gáy bé gái mới 4 tháng tuổi... cho thấy đây là hành vi có tính chất côn đồ, có thể gây ra tổn hại nghiêm trọng về tâm lý và sức khỏe cho trẻ em.

Với hành vi bạo hành trẻ em, đối tượng thực hiện có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 28, Nghị định 04/2021/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, kẻ bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội như Tội cố ý gây thương tích theo; Tội hành hạ người khác...

Điều 134 BLHS 2015 quy định, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11-30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp: đối với người dưới 16 tuổi; Có tính chất côn đồ… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Bên cạnh đó, Điều 140 BLHS 2015 nêu rõ, người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Đối với người dưới 16 tuổi; Với 2 người trở lên… thì bị phạt tù từ 1-3 năm.

Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, vụ việc xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng ở quận 12, TP. HCM cho thấy trách nhiệm rất lớn của địa phương. Đó là việc buông lỏng quản lý, cấp giấy phép cho quy mô hoạt động chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ chỉ 39 em nhưng thực tế có tới 85 em.
Do vậy, UBND quận 12 cần sớm làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong công tác thẩm định, cấp phép hoạt động và giám sát hoạt động của Mái ấm Hoa Hồng để xử lý nghiêm theo quy định.