Kashmir: Mảnh đất "máu và nước mắt", chất chồng oán hận

ANTD.VN - Sau khi Pakistan tách khỏi Ấn Độ theo Hiệp ước Mountbatten năm 1947, hai quốc gia này luôn trong trạng thái căng thẳng, xuất phát từ mâu thuẫn trong vấn đề Kashmir. Mới đây, ngày 14-2-2019, vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Kashmir khiến ít nhất 44 binh sỹ Ấn Độ thiệt mạng, đã làm trầm trọng thêm "cuộc đối đầu" giữa Ấn Độ và Pakistan.

Nguồn gốc cuộc xung đột        

Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc, dưới sức ép của các phong tào đấu tranh giành độc lập ở Tiểu lục địa Ấn Độ, đứng đầu là Đảng Quốc đại của lãnh tụ Mohandas Gandhi, thực dân Anh đã phải trao trả nền độc lập cho Ấn Độ thông qua Hiệp định Mountbatten (ký ngày 15-8-1947).

Hiệp định này đã phân chia Ấn Độ thành 2 quốc gia độc lập, đó là Ấn Độ của người Hindu giáo (Ấn Độ giáo) chiếm đa số và Pakistan của người Hồi giáo thiểu số nhưng lại phân chia thành Đông và Tây Pakistan (cách nhau 3.100 km).

Tâm điểm của các cuộc xung đột tranh chấp khu vực Kashmir (Nguồn: BBC)

Theo đó, Hiệp định bất bình đẳng trên chính là nguồn gốc dẫn đến các phong trào ly khai, xung đột sắc tộc, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và khủng bố ở Ấn Độ, đặc biệt là ở những bang có đa số người Hồi giáo sinh sống như Jammu và Kashmir. Trong đó, vấn đề Kashmir được coi là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc xung đột đẫm máu giữa Ấn Độ và Pakistan.

Từ năm 1947 đến nay, giữa Ấn Độ và Pakistan đã xảy ra tổng cộng 5 cuộc xung đột lớn: (1) Cuộc xung đột đầu tiên (năm 1947) là do Pakistan cho rằng chính quyền Thủ tướng Jawaharlal Nehru đã bắt giam lãnh đạo Phong trào Hồi giáo Sheukh Abdullah ở Kashmir và không thừa nhận Karachi là thủ đô của Pakistan.

(2) Cuộc xung đột lần 2 (năm 1965) xảy ra khi Pakistan quyết định nhượng 10% lãnh thổ do nước này kiểm soát ở Kashmir cho Trung Quốc.

(3) Cuộc xung đột lần 3 (năm 1971) bắt nguồn từ việc Ấn Độ hậu thuẫn cho Đông Pakistan đấu tranh giành độc lập và dẫn tới sự hình thành nhà nước Cộng hòa nhân dân Bangladesh.

(4) Cuộc xung đột lần 4 diễn ra vào năm 1999, khi các phần tử Hồi giáo cực đoan được Pakistan hậu thuẫn tấn công các doanh trại quân đội Ấn Độ ở Kashmir làm cho hơn 1.000 người thiệt mạng và diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ và Pakistan vừa thử thành công bom hạt nhân (tháng 10-1998).

(5) Cuộc xung đột lần thứ 5 (2-2019) là cuộc xung dột đẫm máu nhất 30 năm trở lại đây, thổi bùng ngọn lửa đối đầu căng thẳng trong quan hệ Ấn Độ - Pakistan.

Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan tại khu vực tranh chấp (Nguồn: IDSA)

Vụ khủng bố 14 tháng 2 năm 2019

Sự kiện tấn công khủng bố ngày 14-2 của nhóm khủng bố Jaish-e-Muhammad ở bang Jammu và Kashmir đã khiến căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Độ gia tăng nhanh chóng với hậu quả là 44 binh sỹ Ấn Độ thiệt mạng.

Theo cơ quan điều tra Ấn Độ, kẻ đánh bom đã sử dụng một chiếc xe ô tô con chở đầy thuốc nổ để đâm thẳng vào đoàn xe chở các lực lượng an ninh Ấn Độ trên đường quốc lộ Srinagar-Jammu, vốn được bảo vệ rất gắt gao, cách "thủ phủ" bang Jammu và Kashmir khoảng 20 km.

Nỗi đau mất mát không ngừng giày xéo người dân khu vực Kashmir (Nguồn: Reuters)

Ngay sau sự việc, Ấn Độ đã cáo buộc Pakistan đứng đằng sau đợt bùng phát bạo lực, cho biết, nước này có những bằng chứng "không thể chối cãi được” khẳng định Pakistan đã "trực tiếp nhúng tay" vào vụ đánh bom ngày 14/2. Giới quan sát quốc tế đánh giá, đây là vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào lực lượng an ninh kể từ khi các lực lượng nổi dậy bắt đầu hoạt động trong vùng đất tranh chấp Kashmir từ cuối thập niên 1980.

Ngay lập tức, Ấn Độ thực hiện các hành động "cứng rắn" nhằm trả đũa Pakistan về ngoại giao và kinh tế, "dọn đường" cho việc triển khai các biện pháp quân sự:

(1) Nỗ lực vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhằm "cô lập hoàn toàn" Pakistan; cung cấp tài liệu yêu cầu "Tổ chức quốc tế về phòng chống rửa tiền va tài trợ khủng bố - FATF" đưa Pakistan vào "Danh sách đen các quốc gia tài trợ khủng bố".

(2) Quyết định hủy chế độ ưu đãi thuế quan Tối huệ quốc dành cho Pakistan và nâng mức thuế lên 200% đối với tất cả các hàng hóa nhập khẩu từ Pakistan; tuyên bố ngừng "Hiệp ước cung cấp nước sông Ấn 1960", hạn chế sử dụng nguồn cung cấp nước cho 3 con sông chảy qua Kashmir vào lãnh thổ Pakistan.

(3) Đến ngày 23-2, quân đội Ấn Độ đã triển khai hơn 10.000 binh sỹ bán vũ trang tới khu vực Kashmir để "truy quét khủng bố" và tuyên bố chuẩn bị sẵn sàng chờ lệnh đáp trả. Không quân Ấn Độ (16-17-2) thực hiện cuộc tập trận "Vayu Shakti" tại bang Rajasthan theo kế hoạch từ trước nhưng đã có sự điều chỉnh quy mô lớn hơn với sự tham gia của gần 140 máy bay chiến đầu các loại, huấn luyện tác chiến và diễn tập bắn đạn thật cả ban ngày lẫn ban đêm.

Ở chiều ngược lại, Pakistan phủ nhận mọi liên quan đến các vụ tấn công đẫm máu trên, bày tỏ "thiện chí" sẵn sàng "đối thoại hòa bình" với Ấn Độ, nhất trí thành lập đội điều tra chung về sự việc trên, song phía Ấn Độ vạch mặt Pakistan "đang lừa dối mọi người" và khẳng định "Islamabad biết rất rõ nơi ẩn náu của những kẻ khủng bố, song không muốn giao nộp chúng". 

Tên lửa hạt nhân của Pakistan (Nguồn: AP)

Trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan" trên, nhiều khả năng sẽ tiếp tục xảy ra xung đột quân sự. Nhớ lại, khi đắc cử Thủ tướng Ấn Độ năm 2014, ông Modi từng cam kết sẽ thực hiện chính sách ngoại giao cứng rắn với Pakistan. Kết quả là, theo báo cáo mới đây của Bộ Nội vụ Ấn Độ, trong năm 2018, các lực lượng an ninh Ấn Độ đã tiêu diệt tới 253 phần tử khủng bố, gấp hơn 2 lần so với năm 2015.

Theo giới chuyên gia, "Đường kiểm soát" (LoC - line of control, ranh giới phân chia khu vực kiểm soát bởi Ấn Độ và Pakistan tại Kashmir) là nơi có nguy cơ bùng phát xung đột nguy hiểm nhất thế giới, nhất là sau khi hai nước sở hữu vũ khí hạt nhân từ năm 1998.

Tương lai vấn đề Kashmir

Vấn đề Kashmir trong quan hệ Ấn Độ - Pakistan, chịu tác động từ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.

Thứ nhất, quan điểm của mỗi nước về vấn đề Kashmir là rất khác biệt. Do thực lực kinh tế, chính trị yếu hơn nên Pakistan luôn chủ trương "quốc tế hóa" vấn đề Kashmir với sự tham gia của Liên hợp quốc và Toàn án quốc tế. Còn Ấn Độ, lại muốn duy trì quan điểm "tự mình" giải quyết vấn đề này, không chấp nhận sự tham gia của bất cứ nước nào.

Thứ hai, vấn đề Kashmir hiện nay đã trở thành vấn đề quốc tế khi có sự tham gia mạnh mẽ của Mỹ và Trung Quốc.

Đối với Mỹ, Kashmir không chỉ liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố của nước này ở Nam Á mà còn có tác dụng trong việc giúp Mỹ kiềm chế Trung Quốc và sáng kiến "Vành đai, Con đường" với Pakistan là trọng tâm. Ngoài ra, thông qua Ấn Độ, Mỹ còn sử dụng vấn đề Kashmir làm "con bài" mặc cả trong việc xử lý vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và xung đột ở Tây Tạng trên cơ sở của chiến lược "dân chủ, nhân quyền", "diễn biến hòa bình" và "cách mạng màu" với Trung Quốc.

Còn với Trung Quốc, vấn đề Kashmir có liên quan trực tiếp đến việc ổn định biên giới phía Tây của nước này do các vấn đề thuộc Đảng Hồi giáo Turkestan (TIP) hay còn gọi là phong trào Hồi giáo Đông Turkestan luôn sử dụng vùng lãnh thổ Kashmir làm nơi ẩn náu và phá hoại sự ổn định của khu vực Tân Cương.

Do đó, nếu Trung Quốc không hợp tác chặt chẽ với Pakistan trong việc chống lại các phần tử Duy Ngô Nhĩ ở Kashmir thì các phong trào ly khai ở Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông sẽ bùng phát và đe dọa trực tiếp đến an ninh, sự ổn định của chính Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc còn sử dụng Pakistan làm "hình mẫu" để triển khai sáng kiến "Vành đai, Con đường" ở Nam Á nên Ấn Độ và Pakistan xảy ra xung đột vũ trang ở Kashmir sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược này của Trung Quốc.

Do đó, vấn đề Kashmir chỉ có thể được giải quyết khi Ấn Độ và Pakistan thực hiện các biện pháp: (1) Cần có sự tương đồng về nhận thức và quan điểm, tiến tới ký Hiệp ước hòa bình chính thức và phân định lại đường biên giới LoC, được lập ra năm 1989. (2) Hạn chế sự can dự của Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Kashmir.

Như vậy, vấn đề Kashmir luôn là chủ đề chi phối mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Muốn quan hệ hai nước cải thiện và phát triển tốt đẹp, không còn cách nào khác cả hai bên cần phải xây dựng niềm tin thông qua các đối thoại về chính trị, hạn chế việc can dự của các yếu tốt bên ngoài vào cuộc xung đột này, nhất là từ Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt, tránh coi vũ khí hạt nhân là "thước đo" cho việc giải quyết Kashmir.