J-16 xuất hiện làm Nhật-Hàn-Ấn-Việt "kinh hoàng": Hoang đường!

ANTĐ - J-16 là máy bay chiến đấu đa dụng thế hệ mới do Viện nghiên cứu hàng không hải quân của Công ty chế tạo máy bay Thẩm Dương - Trung Quốc nghiên cứu, chế tạo. Nó có ngoại hình “giống hệt” máy bay chiến đấu Su-30MKK của Liên Xô.

J-16 được phát triển với định hướng sử dụng cho lực lượng không quân của hải quân Trung Quốc. Theo số liệu công bố, nó ưu việt hơn tất cả những loại máy bay chiến đấu hiện có trong lực lượng này, với tải trọng bom đạn 12 tấn, có khả năng mang theo các loại tên lửa hành trình chống hạm khủng như YJ-62 và YJ-83, nâng cao rất nhiều khả năng tấn công đối hải của lực lượng không quân của hải quân Trung Quốc.

Các chuyên gia nước ngoài phân tích, J-16 là phiên bản “nhái” từ loại máy bay chiến đấu hải quân do Nga sản xuất là Su-30MKK, được cải tiến lớn về mặt điện tử, dẫn đường. Đầu tiên là nó được lắp đặt radar mảng pha điện tử, có thể theo dõi và tấn công đồng thời nhiều mục tiêu, tính năng công nghệ tương đương loại radar trên máy bay F-15E của Mỹ.

Thứ 2 là J-16 được trang bị khả năng truyền số liệu C4ISTAR, giúp nó có khả năng tương tự một máy bay cảnh báo sớm trên không loại nhỏ, có khả năng quản chế trên không, chỉ huy các phân đội máy bay tác chiến. Cuối cùng, J-16 còn được trang bị khoang chiến đấu điện tử, giúp nó nâng cao rất mạnh khả năng tác chiến.

J-16 xuất hiện làm Nhật-Hàn-Ấn-Việt "kinh hoàng": Hoang đường! ảnh 1

Người Trung Quốc mặc cho J-16 một “cái áo quá rộng” (Ảnh: Mô hình tưởng tượng của chiếc J-16 mang theo lượng bom đạn gấp nhiều lần chiếc máy bay ném bom H-6 của họ)


Hiện nay, máy bay chiến đấu chủ lực của Trung Quốc là J-10 thuộc thế hệ thứ 3, trong khi đó loại máy bay hiện đại nhất của các nước xung quanh như Ấn Độ với Su-30MKI, Hàn Quốc với F-15K, Nhật Bản với F-5SG (F-15J). J-10 khi giao phong với các loại máy bay thế hệ 3,5 và thế hệ thứ 4 này có phần hạ phong nhưng đến khi J-16 được trang bị hàng loạt thì cán cân đối đầu sẽ nghiêng về Trung Quốc.

Thới báo Hoàn Cầu khẳng định, đến khi J-16 và J-10B song hành với nhau, nó sẽ “trên cơ” tất cả các loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 của các nước xung quanh, khi 2 loại chiến đấu cơ này được trang bị hàng loạt, thay thế hết các loại máy bay thế hệ cũ, lúc đó lực lượng không quân của hải quân Trung Quốc sẽ thách thức lực lượng không quân nói chung và không quân hạm của các đối thủ xung quanh.

Tại khu vực đông Á, F-15K Hàn Quốc và F-15SG của Nhật đã thống trị bầu trời khu vực suốt một thời gian dài, còn không quân Việt Nam cũng được trang bị các tiêm kích đa năng Su-30MK2V hiện đại hơn hẳn Su-30MKK Trung Quốc. Còn tại Nam Á, không quân Ấn Độ hiện là đối thủ nặng ký nhất với số lượng lớn các tiêm kích hiện đại nhất dòng Su-30 là Su-30MKI.

J-16 xuất hiện làm Nhật-Hàn-Ấn-Việt "kinh hoàng": Hoang đường! ảnh 2

Máy bay chiến đấu Su-30MKI được xếp hạng hàng đầu khu vực


Cũng được trang bị các máy bay tiêm kích hạng nặng dòng Su-30 nhưng Su-30MKK của Trung Quốc sản xuất vào thời kỳ đầu của các máy bay chiến đấu đa dụng, nên tính năng của nó vẫn kém các thế hệ Su-30 sau. Hiện nay, loại máy bay hiện đại nhất trong lực lượng không quân Trung Quốc này vẫn còn thua sút Su-30MKI Ấn Độ về nhiều phương diện.

Su-30MKI trang bị hầu hết các hệ thống điện tử, dẫn đường phương Tây, còn radar thì sử dụng radar mảng pha điện tử thụ động BARS của Viện nghiên cứu thiết bị NIIP, nên Su-30MKI hơn hẳn Su-30MKK về tính năng chiến đấu tầm gần và tầm xa, về khả năng tấn công đối đất và đối hải Su-30MKI cũng vượt trội hơn so với Su-30MKK. Thời báo Hoàn Cầu nhận định, khi J-16 ra đời sẽ làm thay đổi cục diện đối đầu, nghiêng về Trung Quốc.

Hiện nay, Su-30MKK đã sử dụng được hàng chục năm, số lượng ít, việc sử dụng và huấn luyện với cường độ cao trong giai đoạn Trung Quốc thiếu máy bay chiến đấu hiện đại đã làm giảm tuổi thọ của nó. Hơn nữa, vấn đề tích hợp các loại vũ khí tấn công chính xác do Trung Quốc sản xuất với loại máy bay do Nga sản xuất là rất khó khăn, trong khi đó nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều. Vì vậy, rất khó để loại máy bay này tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong lực lượng huấn luyện và chiến đấu tuyến 1 của không quân Trung Quốc.

J-16 xuất hiện làm Nhật-Hàn-Ấn-Việt "kinh hoàng": Hoang đường! ảnh 3

Máy bay chiến đấu F-15K của Hàn Quốc


Trong tình hình đó, việc sở hữu một loại máy bay chiến đấu đa năng, hạng nặng hiện đại từ thế hệ 3,5 trở lên, có khả năng trang bị tất cả các loại vũ khí quốc nội, sử dụng các hệ thống điện tử, dẫn đường tiên tiến hơn đã trở thành một nhu cầu hết sức cấp bách đối với không quân tuyến 1 Trung Quốc. Vì vậy, J-16 mới được Trung Quốc gấp rút triển khai nghiên cứu. Tuy nhiên, sự xuất hiện của nó cũng chẳng thể tạo ra được cú hích thần kỳ đối với không quân nước này.

Hiện J-16 mới đang ở trong giai đoạn thử nghiệm, như vậy, thời điểm nó được trang bị hàng loạt trong lực lượng không quân Trung Quốc cũng còn rất lâu. Lấy ví dụ từ J-10B được thử nghiệm từ năm 2008 đến nay mới bước vào giai đoạn thử nghiệm vũ khí, vẫn chưa sản xuất hàng loạt thì có thể khẳng định J-16 sớm cũng phải năm 2018 mới được sản xuất hàng loạt, cho đến sau năm 2020 may ra Trung Quốc mới chế tạo được một số lượng khoảng vài chục chiếc.

Trung Quốc tiến nhưng các đối thủ của họ đâu có dừng lại? Ấn Độ có ý định sắm tới 300 chiếc Su-30MKI làm nòng cốt trong không quân nước này và hiện đã nối lại hợp đồng mua 126 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 Rafale của Pháp, Nhật cũng đang tăng tốc dự án chế tạo máy bay tàng hình ATD-X Shinshin. Với nền tảng công nghệ tiên tiến của các công ty từng tham gia sản xuất máy bay chiến đấu F-35, có thể nhận thấy loại máy bay tương lai của Nhật sẽ thuộc dạng hàng đầu thế giới.

J-16 xuất hiện làm Nhật-Hàn-Ấn-Việt "kinh hoàng": Hoang đường! ảnh 4

Máy bay chiến đấu F-15SG (F-15J) của Nhật


Trong khi đó, Hàn Quốc tuy có khó khăn hơn nhưng họ đang nỗ lực mua sắm 60 chiếc máy bay chiến đấu thế hệ mới. Tuy chưa lựa chọn được loại máy bay phù hợp nhưng ngay cả F-15SE cũng bị loại vì thiếu tính năng tàng hình thì có thể nhận thấy, đòi hỏi về loại máy bay chiến đấu tương lai của họ không hề thấp. Hơn nữa, Hàn Quốc cũng đang nỗ lực đẩy mạnh chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 KFX của mình.

Có thể khẳng định, khi J-16 được trang bị hàng loạt thì các đối thủ của Trung Quốc lại đã sẵn sàng, sự xuất hiện của nó và cả J-10B cũng sẽ không gây quá nhiều xáo trộn về tương quan không quân chiến thuật trong khu vực.