J-10B dùng AL-31F: Sự hổ thẹn của nền công nghiệp hàng không Trung Quốc

ANTĐ - 5 năm sau chuyến bay thử đầu tiên, máy bay chiến đấu J-10B đã bắt đầu được sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, việc nó chính thức được bàn giao cho lực lượng không quân cũng đã chỉ ra những điểm yếu chết người trong công nghiệp hàng không Trung Quốc.

Vừa qua, loại tiêm kích thế hệ 3+, được mệnh danh là tiên tiến nhất trong các loại máy bay chiến đấu nội địa của Trung Quốc do Công ty chế tạo hàng không Thành Đô nghiên cứu, phát triển trên cơ sở của J-10A đã xuất hiện chiếc máy bay sản xuất hàng loạt đầu tiên mang số hiệu 101, đánh dấu thời điểm nó bắt đầu được bàn giao cho lực lượng không quân Trung Quốc.

Trước khi J-10B được sản xuất hàng loạt, một loại tiêm kích nội địa khác cùng thế hệ 3,5 là J-16 cũng bắt đầu chuyển giao cho lực lượng không quân bay thử, đánh dấu sự chuyển giao thế hệ máy bay chiến đấu của Trung Quốc từ thế hệ thứ 3 sang thế hệ 3+.

Nhìn về ngoại hình, J-10B có sự thay đổi khá lớn so với J-10, tính năng cũng được nâng cao rõ rệt. Ngoài việc chuyển sang sử dụng thiết kế cửa hút khí kiểu DSI, radar lắp đặt ở phần đầu máy bay cũng được thay thế bằng radar mảng pha chủ động AESA. Ngoài ra, thiết bị trên máy bay cũng được cải tiến hiện đại hơn, ví dụ như hệ thống hiển thị trên mũ phi công (HMDS), hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST)…

Việc một loạt các máy bay chiến đấu thế hệ 3+ được biên chế cho lực lượng không quân bảo đảm “vá” được lỗ hổng về lực lượng thay thế khi các máy bay chiến đấu J-7 và J-8 chấm dứt sử dụng, đồng thời đảm bảo cho không quân Trung Quốc hình thành ưu thế về số lượng và chất lượng máy bay chiến đấu so với các quốc gia xung quanh.

Tuy nhiên, J-10B cũng gây sự thất vọng rất lớn khi nó không sử dụng động cơ do Trung Quốc chế tạo mà là của Nga. Trên hình ảnh hiển thị rõ ràng chiếc J-10B sử dụng động cơ Saturn AL-31FN của Nga chứ không phải là động cơ quốc nội WS-10A “Thái Hàng” được Trung Quốc cho là tiên tiến hơn rất nhiều so với AL-31F, được sản xuất cách đây đã mấy chục năm dưới thời Liên Xô.

Trước đây, đại diện của Công ty sản xuất động cơ Lê Minh thuộc Tập đoàn công nghiệp Hàng không Thẩm Dương tuyên bố, động cơ WS-10A “Thái Hàng” do họ nghiên cứu, chế tạo có trọng lượng 1,6 tấn, lực đẩy 132kN, tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng là 7.5, vượt trội so với loại AL-31F của Nga có trọng lượng 1,57 tấn, lực đẩy 123kN, tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng đốt sau mới đạt 7,87.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự Nga, Mỹ đã thẳng thắn chỉ ra điểm yếu chết người của ngành hàng không Trung Quốc hiện họ vẫn chưa chế tạo được loại động cơ phản lực có tính tin cậy, hơn nữa khoảng cách giữa 2 lần bảo dưỡng rất ngắn, thời gian vận hành ổn định trước các lần đại tu lớn cũng không dài, vòng đời thực tế của 1 động cơ cũng ngắn hơn rất nhiều so với các loại của Nga, Mỹ.

Trong 10 năm qua, các công ty chế tạo máy bay của Trung Quốc vẫn không ngừng phải nhập khẩu động cơ AL-31F và RD-93 mà không dùng loại “tốt hơn của Nga” do các công ty trong nước sản xuất. Trước khi J-10B bị phát hiện dùng AL-31F, hình ảnh máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 của Trung Quốc là J-31 đang thử nghiệm với 2 động cơ RD-93 đã nói lên tất cả sự yếu kém của nghành công nghiệp hàng không Trung Quốc.