Italy bơm 6,5 tỷ euro giải cứu ngân hàng lâu đời nhất thế giới

ANTD.VN - Chính phủ Italy có khả năng sẽ cung cấp khoản cứu trợ 6,5 tỷ euro (6,8 tỷ USD) để giải cứu ngân hàng lớn thứ ba nước này, Banca Monte dei Paschi di Siena (BMPS) khỏi nguy cơ phá sản.

Ngân hàng Monte dei Paschi di Siena điêu đứng vì khủng hoảng

Thông tin trên được đưa ra sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho hay, BMPS cần một khoản vốn mới lên tới 8,8 tỷ euro (9,19 tỷ USD), cao hơn nhiều so với mức ước tính 5 tỷ euro trước đó của ngân hàng này. Theo ECB, nguyên nhân khiến BMPS phải cần thêm 8,8 tỷ euro là do khả năng thanh toán của BMPS đã “bị xuống cấp nhanh chóng” trong gần một tháng qua, từ ngày 30-11 đến 21-12. 

Đảm bảo quyền lợi người gửi tiền

Ngân hàng này hồi tuần trước đã đề nghị chính phủ hỗ trợ sau khi kế hoạch huy động vốn từ các nhà đầu tư tư nhân thất bại. Việc bơm 6,5 tỷ euro vào BMPS sẽ giúp Chính phủ Italy nắm giữ khoảng 70% cổ phần trong ngân hàng. Ngoài khoản cứu trợ 6,5 tỷ euro của chính phủ, 2,3 tỷ euro còn lại dự kiến sẽ được huy động thông qua việc chuyển đổi trái phiếu lệ thuộc do các nhà đầu tư tổ chức nắm giữ tại ngân hàng này thành cổ phiếu. 

Trước đó, Chính phủ Italy ngày 23-12 đã thông qua kế hoạch cứu trợ bằng tiền của nhà nước đối với Monte dei Paschi di Siena - ngân hàng lâu đời nhất thế giới . Tiền cứu trợ BMPS sẽ được lấy từ quỹ 20 tỷ euro (20,9 tỷ USD) đã được Quốc hội phê chuẩn hôm 20-12. 

Thủ tướng Paolo Gentiloni cho biết, kế hoạch cứu trợ BMPS sẽ đảm bảo khoản tiền tiết kiệm của khoảng 40.000 nhà đầu tư nhỏ đang nắm số trái phiếu có trị giá ước tính khoảng 2 tỷ euro của BMPS. Theo ông Gentiloni, mục tiêu của Chính phủ Italy là đảm bảo các khoản tiền gửi của người dân, đồng thời làm cho ngành ngân hàng phát triển mạnh mẽ hơn và vững chắc hơn. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pier Carlo Padoan nói rằng thỏa thuận cứu trợ sẽ giúp BMPS thoát khỏi tình trạng kiệt quệ, có thể tiếp tục hoạt động cho vay, bảo vệ lợi ích của người gửi tiền và các cổ đông. 

Tâm điểm của khủng hoảng ngân hàng

Được thành lập năm 1472, BMPS rơi vào tình trạng khó khăn trong vài năm qua, đặc biệt là sau khi mua ngân hàng Antonveneta, cùng các vụ bê bối gian lận và lạm dụng quỹ của đội ngũ nhân viên quản lý ngân hàng này. Trong giai đoạn từ năm 2011-2015, ngân hàng BMPS điêu đứng vì khoản thua lỗ ước tính lên đến 14 tỷ euro. Đến nay, nợ xấu của BMPS vào khoảng 28 tỷ euro (29,3 tỷ USD). 

BMPS là tâm điểm của cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng tại Italy, với tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng nước này hiện khoảng 360 tỷ euro (376 tỷ USD), chiếm 1/3 tổng nợ xấu khu vực các nước Eurozone. Kể từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của ngân hàng này đã lao dốc mạnh 88% khi khách hàng lũ lượt rời bỏ ngân hàng. Giao dịch cổ phiếu của ngân hàng này bị dừng vào ngày 22-12. 

Dự kiến một số ngân hàng nhỏ khác ở Italy sẽ sớm tìm kiếm sự giúp đỡ của chính phủ để vực dậy tình hình tài chính của họ. Ngân hàng lớn nhất Italy UniCredit ngày 13-12 đã xác nhận kế hoạch tăng vốn tới 13 tỷ euro (13,8 tỷ USD) nhằm tăng cường sức mạnh tài chính giữa lúc thị trường rơi vào bất ổn.

Ngoài ra, UniCredit cũng công bố cắt giảm khoảng 14.000 việc làm đến cuối năm 2019, với hy vọng tiết kiệm 1,1 tỷ euro chi phí trả lương cho nhân viên. Kế hoạch tăng vốn của UniCredit được đưa ra vào thời điểm niềm tin của các nhà đầu tư tại Italy bị lung lay mạnh do Thủ tướng Matteo Renzi phải từ chức sau thất bại của cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp, khiến chính trường Italy trở nên bất ổn.

Đầu tháng này, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã điều chỉnh dự báo triển vọng 2017 cho các ngân hàng Italy từ mức “ổn định” xuống “tiêu cực” do nhận thấy tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng nước này đang ở mức cao, kèm với đó là những rủi ro nảy sinh sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 4-12 vừa qua.