Iran lên án, Anh-Đức-Trung Quốc phản đối cấm vận Nga

ANTĐ - Con bài cấm vận Nga do Tổng thống Mỹ Obama khởi xướng xem ra sẽ khó đạt được hiệu quả khi không chỉ các nước thân Nga mà cả đồng minh EU cũng không nhất trí.

Tiếp theo tuyên bố phản đối cấm vận Nga của Trung Quốc, Iran đã lên án việc áp dụng các biện pháp trừng phạt của EU và Mỹ chống lại nước Nga liên quan đến tình hình ở Ukraine.

Phát ngôn viên của Ngoại trưởng Iran Marzieh Afham đã tuyên bố, những hành động này là "bước đi không hiệu quả". EU và Hoa Kỳ không nên đối xử với các quốc gia khác theo kiểu bề trên. Theo nhà ngoại giao này, cuộc khủng hoảng phải được giải quyết thông qua thương lượng.

Tạp chí chính thức của Liên minh châu Âu hôm 29-4 công bố tên của 15 nhân vật bị áp dụng các biện pháp trừng phạt của EU. Trong danh sách có 9 quan chức Liên bang Nga, cũng như 6 lãnh đạo biểu tình và thủ lĩnh lực lượng tự vệ "Cộng hòa nhân dân Donetsk" và một số người khác.

Ngoài ra, lệnh cấm vận này cũng áp dụng đối với một số quan chức Nga bằng hình thức đóng băng tài khoản ngân hàng ở châu Âu và cấm nhập cảnh các nước EU.

Tuy nhiên, lệnh cấm vận này cũng vấp phải sự phản đối của Anh và Đức - 2 quốc gia có tiếng nói rất quan trọng trong Liên minh châu Âu. Vì thế, nó được đưa ra bàn bạc suốt từ ngày 14-4 nhưng đến 29-4 mới được công bố chính thức.

Iran lên án, Anh-Đức-Trung Quốc phản đối cấm vận Nga ảnh 1

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond (phải) và Tổng tham mưu trưởng
quân đội Anh, Tướng Peter Wall

Ngày 28/4, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier khẳng định không có dấu hiệu cho thấy các lực lượng Nga sắp tiến hành đưa quân vào Ukraine cho dù có hoạt động triển khai binh lính ồ ạt dọc biên giới 2 nước trong các cuộc tập trận mà Moscow tuyên bố công khai.

Ngoại trưởng Đức cũng kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết vấn đề bằng thương lượng. Ông cũng đề nghị Nga hỗ trợ lập lại trật tự tại miền Đông Ukraine, đồng thời yêu cầu trả dự do cho các quan sát viên quân sự của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 28-4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cũng vừa đưa ra tuyên bố phản đối các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng diễn ra tại Ukraine, sau khi nhóm các nước công nghiệp G7 nhất trí thông qua gói trừng phạt mới hôm 26-4.

Ông khẳng định, Trung Quốc phản đối việc đe dọa hay áp đặt trừng phạt trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Các biện pháp cấm vận không có khả năng góp phần giải quyết khủng hoảng tại Ukraine, cũng không đem lại lợi ích cho bên nào mà chỉ làm gia tăng thêm căng thẳng.

Iran lên án, Anh-Đức-Trung Quốc phản đối cấm vận Nga ảnh 2

Xe bọc thép quân đội Ukraine trong chiến dịch trấn áp biểu tình ở miền đông

Ngày 28-4, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond đã bày tỏ quan điểm là “chẳng lợi lộc gì” để dính vào “vũng lầy” Ukraine. Đồng thời, ông cũng cho biết, quân đội nước này sẽ không chiến đấu chống lại Nga ngay cả khi Moscow đưa quân sang Ukraine.

Theo tờ “Mirror” của Anh, Bộ trưởng Philip Hammond đã bí mật thông tin như trên với các tư lệnh của quân đội Anh, trong đó bao gồm Chủ tịch Hội đồng tham mưu Quốc phòng Anh - Tướng Nick Houghton, trong một cuộc họp gần đây.

Lập trường này được củng cố thêm khi một phát ngôn viên của chính phủ Anh cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng, khủng hoảng Ukraine nên được giải quyết thông qua các biện pháp ngoại giao và hòa giải thông qua các tổ chức quốc tế liên quan như Liên Hiệp Quốc.

Tiếp theo, vào ngày 29-4, Thủ tướng Anh David Cameron cam kết sẽ từ chức trong trường hợp tái đắc cử, nếu ông không thể tổ chức được một cuộc trưng cầu dân ý về việc… rút khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Trong hội nghị truyền hình với những người ủng hộ Đảng Bảo thủ của mình, ông nói rằng, cuộc trưng cầu dân ý về việc Vương quốc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu sẽ diễn ra vào năm 2017, trong trường hợp Đảng Bảo thủ chiến thắng tại cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2015 sắp tới.