Iphone phát nổ, tại sao?

ANTĐ - Tuần qua liên tục xảy ra các vụ nổ điện thoại gây chết người khiến cho tất cả những người sử dụng điện thoại di động hết sức lo lắng. Thực tế không phải đến bây giờ những vụ nổ điện thoại mới xảy ra. Vậy nguyên nhân phát nổ là vì sao? Nếu không sạc điện thoại, không tiếp xúc với nguồn điện thì có bị nổ hay không?

Ảnh minh họa

Đi tìm nguyên nhân

Không chỉ Iphone, phần lớn Smartphone trong các vụ nổ trước đây đều gặp vấn đề khi sạc pin hoặc một vài chiếc gặp sự cố sau khi bị rơi xuống nước. Tuy nhiên trước những vụ việc ĐTDĐ bỗng dưng… phát nổ khi không có sự tiếp xúc trực tiếp với nguồn điện thì là một vấn đề lớn cần bàn. Thực tế, vấn đề gặp phải những sự cố không may với nguyên nhân được quan tâm nhất đến từ pin. Các nhà sản xuất cũng khuyến cáo, khách hàng nên chọn lựa các phụ kiện và linh kiện như pin, sạc điện chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Thế nhưng, hiện tượng pin sạc dự phòng dung lượng lớn, giá rẻ dùng cho Smartphone có xuất xứ từ Trung Quốc đang tràn ngập thị trường và rủi ro cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Theo Thạc sỹ Đoàn Tuấn Lộc, kỹ sư Vật lý và Điện tử tại Hà Nội phân tích, việc vừa sạc vừa sử dụng ĐTDĐ sẽ khiến người dùng dễ bị điện giật, nhất là với các máy có chất lượng kém, đã qua sửa chữa và lắp lại, kinh kiện của bộ sạc không đảm bảo… 

Theo ông Nguyễn Ngọc Tâm, kỹ sư ngành Điện tử - Viễn Thông ở Đức nhìn nhận, bất kỳ chiếc ĐTDĐ nào cũng có thể gây nguy hiểm cho người dùng đều không sử dụng đúng cách, hoặc linh kiện đi kèm, hoặc thay thế không đúng với thông số sản phẩm, bộ sạc không đảm bảo, không rõ nguồn gốc xuất xứ… Trong quá trình tiếp xúc với nguồn điện thông qua quá trình sạc pin, nếu các linh kiện, vi mạch điện tử không đảm bảo chất lượng, bị hỏng, mạch nguồn có thể bị đánh thủng dẫn tới việc điện áp cao phóng thẳng tới ĐTDĐ liên tục hoặc tức thì gây hỏng điện thoại và gây giật nguy hiểm cho người sử dụng. Đặc biệt với những chiếc ĐTDĐ có vỏ kim loại thì tay của người sử dụng chạm trực tiếp khiến nguy cơ tử vong rất cao bởi sự truyền dẫn nhanh do tiếp xúc với điện lưới ~220V. Những trường hợp người sử dụng ĐTDĐ bị giật, tập trung vào 2 nguyên nhân là do bộ sạc pin không an toàn hoặc vô tình tiếp xúc với nguồn điện ngoài...   

Lời cảnh tỉnh 

Thực tế, các hãng ĐTDĐ trên toàn thế giới đều có những hướng dẫn an toàn khi sử dụng sản phẩm của họ, đó là cần tuân thủ những nguyên tắc như không để vật kim loại tiếp xúc với cực âm, dương của pin. Tránh để pin trong túi lẫn lộn với chìa khoá xe, kẹp giấy, bút có vỏ kim loại... vì pin dễ chập mạch, gây cháy nổ. Để máy ở tình trạng khô ráo, không thấm nước khi khởi động máy để tránh tình trạng chập mạch điện. Không nên bỏ điện thoại trong túi quần, túi áo, ở gần những bộ phận như não, tim... Tắt điện thoại ngay khi ở trong khu vực dễ xảy ra cháy nổ như trạm tiếp nhiên liệu, trạm nạp khí hóa lỏng, nhà máy hóa chất...

Nhưng thực tế, người sử dụng sản phẩm lại không mấy ai quan tâm đến những khuyến cáo trên dẫn đến những cách sử dụng không đúng là tác nhân gây ra rủi ro cao như: vừa sạc pin vừa sử dụng ĐTDĐ; tiếp xúc với ĐTDĐ khi tay ẩm ướt; mang ĐTDĐ vào những môi trường có độ ẩm cao để sử dụng như nhà vệ sinh, nhà tắm, bể bơi; sử dụng ĐTDĐ ở những môi trường có nguy cơ cháy nổ cao; khi sạc pin không đảm bảo đầu nối vào nguồn điện đúng cách; sử dụng pin sạc thay thế kém chất lượng, không đúng thông số, dung lượng lớn…  

Những chuyên gia công nghệ điện tử viễn thông đưa ra lời khuyên, khi ĐTDĐ không tiếp xúc trực tiếp với nguồn điện, thì nguy cơ phát nổ hầu hết đều do pin điện thoại gây nên. Chính vì vậy, luôn sử dụng pin và phụ kiện chính hãng, không dùng pin của bên thứ 3, pin có dấu hiệu hư hỏng, hay pin sạc thay thế dung lượng lớn; không tự ý chỉnh sửa phần cứng của máy; tránh để điện thoại ở nơi có nhiệt độ cao, nơi trực tiếp có ánh mặt trời; tránh sạc pin lâu, đàm thoại dài vì ĐTDĐ có thể nổ trong các trường hợp như thời lượng cuộc gọi quá lâu khiến pin làm việc dài, quá công suất khiến pin nóng lên, phản ứng nổ ngay sẽ không diễn ra nhưng quá trình này sẽ khiến các chất, lá cực trong pin xảy ra các phản ứng phụ đến chập nhẹ, pin có nguy cơ bị nổ.

 Tốt nhất, người sử dụng nên tắt máy khi đang sạc pin. Không để các loại máy có nhiều từ trường như máy tính, máy nghe nhạc và điện thoại ở gần nhau.