Indonesia sẽ xóa "chợ" tình dục

ANTĐ - Mặc dù mại dâm bị coi là bất hợp pháp tại Indonesia và vô đạo đức trong mắt của nhiều người, nhưng ngành buôn bán tình dục vẫn tiếp tục nở rộ, đặc biệt tại Thủ đô Jakarta của nước này. 

Không ít gái mại dâm đứng vẫy khách dọc các tuyến đường ở Jakarta

Hoạt động tấp nập

Jakarta  là nơi hoạt động của ít nhất 11.860 gái mại dâm, trong đó, 3.435 người hoạt động tại trung tâm thành phố, theo dữ liệu năm 2014 của Ủy ban Phòng chống AIDS Jakarta. Tuy nhiên, số lượng thực tế còn cao hơn nhiều, do dữ liệu hiện không tính đến những mại dâm nam và người chuyển giới.

Khi phóng viên của hãng CNA (Singapore) lái xe qua các “khu đèn đỏ” đã bắt gặp hàng loạt các cô gái hành nghề mại dâm trong những trang phục thiếu vải đứng dọc các tuyến đường dưới ánh sáng mờ ảo. Những kẻ dẫn gái và các lái “xe ôm” được thuê chở gái mại dâm đi và đến các điểm hẹn. Nhiều nhóm hoạt động công khai ở quận Kemayoran và dọc tuyến đường Gajah Mada ở trung tâm Jakarta.

Trong vòng chưa đầy 1 giờ, 6 gái mại dâm đã thực hiện thành công giao dịch. Để tìm hiểu kỹ hơn, phóng viên đã cho xe ô tô đi chậm lại và hạ thấp cửa kính. “400.000 rupee, có phòng”, cô gái ở độ tuổi 20 nói và giải thích rằng đây là giá “hữu nghị” cho dịch vụ “tàu nhanh”. Nếu thời gian lâu hơn, số tiền sẽ là 1,3 triệu rupee (98 USD).

“Nếu ông đồng ý, chúng ta cùng đi”, cô gái nói. Hoạt động mại dâm bị chỉ trích nặng nề tại quốc gia có đông người Hồi giáo sinh sống này, và cũng là nguy cơ tiềm ẩn tội phạm, từ buôn người đến khiêu dâm, rửa tiền và các tội phạm khác. Tuy nhiên, hiện tại nước này chưa có luật cụ thể để trừng phạt hành vi đó, nên họ chỉ phải đối mặt với pháp lý khi hành vi có liên quan đến tội phạm khác.

Vì thế, ngành kinh doanh tình dục vẫn nở rộ ở các thành phố như Jakarta và Surabaya. “Nếu những người hành nghề mại dâm không phạm pháp, chúng tôi không thể ngăn chặn họ sử dụng không gian công cộng hoặc đứng vẫy khách dọc lề đường vào ban đêm, mặc dù chúng tôi chắc chắn họ là gái bán dâm”, phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Indonesia, Thiếu tướng Agus Rianto giải thích. Ông nói thêm, các nỗ lực loại trừ mại dâm cũng bị cản trở bởi các quy định hiện hành trong “một số khu vực”, nơi chính quyền địa phương cho phép hoạt động mại dâm. 

Đóng cửa các “khu đèn đỏ”

Trong một nỗ lực để ngăn chặn nạn mại dâm, Bộ trưởng Bộ Các vấn đề xã hội Khofifah Indar Parawansa tuyên bố hồi tháng 2 rằng, đến năm 2019 Indonesia sẽ loại trừ được tệ nạn này và tất cả các “khu đèn đỏ” ở nước này sẽ bị đóng cửa. Ước tính, khoảng 100 khu như vậy nằm rải rác trên khắp đất nước.

Vài ngày sau tuyên bố trên, “khu đèn đỏ” lâu đời nhất Jakarta tên Kalijodo đã bị phá hủy. Nhưng điều đó có vẻ không ngăn được ngành công nghiệp tình dục tự phát, nhiều gái mại dâm đã chuyển đi nơi khác hoặc hoạt động trực tuyến. 

Khi tìm hiểu kỹ hơn về việc làm thế nào ngành mại dâm tiếp tục phát triển mạnh, phóng viên nhận ra nghèo đói vẫn là lý do chính  khiến nhiều người, thậm chí cả gia đình hành nghề mại dâm. Người phụ nữ chỉ muốn nêu tên là Ratu, một trong số nhiều “kupu-kupu malam” hay “bướm đêm” đã rời miền quê nghèo ở thành phố Subang bên bờ biển phía Bắc của Tây Java tới các nhà thổ ở Jakarta, Bandung và các thành phố lớn khác. Cô nói rằng cô hành nghề từ năm 17 tuổi. “Chúng tôi không có đủ tiền cho những nhu cầu tối thiểu. Đó là lý do vì sao tôi phải làm việc này”, bà mẹ một con này nói. Ratu hiện 39 tuổi, còn con gái Putri 26 tuổi cũng hành nghề mại dâm. 

Khi còn đi học, Putri ước mơ trở thành bác sĩ, nhưng cô sớm nhận ra rằng gia đình không có khả năng nuôi cô ăn học. Tham gia nghề này, Putri kiếm được khoảng 8 triệu rupee (600 USD) mỗi tháng, lớn hơn nhiều so với mức lương tối thiểu 2,15 triệu rupee (160 USD) ở quê nhà. “Tôi thực sự muốn nhìn thấy con thành đạt và khiến mẹ nó tự hào. Tôi không muốn con gái đi theo bước chân của mình”, Putri nói. 

Với ý định đóng cửa các “khu đèn đỏ”, Bộ Các vấn đề xã hội Indonesia đang tìm cách trợ giúp những gái mại dâm có thể bị ảnh hưởng. Mỗi người sẽ được hỗ 5,05 triệu rupee (380 USD) và Chính phủ hy vọng sẽ khuyến khích họ trở về quê hương kiếm sống, hoặc bắt đầu hoạt động kinh doanh riêng. “Nếu họ sẵn sàng học nghề, chúng tôi cũng sẽ cung cấp”, bà Khofifah nói và cho biết thêm rằng Bộ đã cung cấp hoạt động đào tạo nghề như vậy cho khoảng 600 gái mại dâm ở 4 tỉnh hồi năm ngoái. 

Nhưng điều này có lẽ là không đủ. “Tôi đồng ý với việc đóng cửa các “khu đèn đỏ”, nhưng đừng làm điều đó mà không có một kế hoạch dự phòng”, Giáo sư, Tiến sĩ Adrianus Meliala thuộc Ombudsman, một tổ chức độc lập điều tra cáo buộc quản lý yếu kém trong các dịch vụ công ở Indonesia cảnh báo. Theo Giáo sư Meliala, Nhà nước nên chuẩn bị cho người bán dâm một cuộc sống mới trước khi họ bị trục xuất khỏi các “khu đèn đỏ”, bằng cách tạo công ăn việc làm để họ có thể nuôi sống bản thân và gia đình.

Thực ra, ý tưởng đóng cửa vĩnh viễn “khu đèn đỏ” không phải mới ở Indonesia. Năm 2014, gần 1.500 gái mại dâm ở Surabaya đối mặt với việc bị trục xuất khi Gang Dolly hay Dolly Lane, một mạng lưới những con hẻm nhỏ, từng được xem là “khu đèn đỏ” lớn nhất ở Đông Nam Á đã bị đóng cửa.

“Trong thời hoàng kim, Gang Dolly rất tấp nập sau 22h đêm, đầy xe taxi, nhưng sau khi đóng cửa, các tuyến đường trở nên thực sự yên tĩnh”, một cư dân địa phương tên Sam nói. Tuy nhiên, theo Sam, gái mại dâm giờ rút vào hoạt động bí mật. Một số cô khác chuyển tới các khu đèn đỏ vẫn còn hoạt động như Gang Sadar ở Purwokerto, Trung Java. Mặc dù vậy, cảnh sát quốc gia Indonesia cam kết sẽ nỗ lực hết sức để thực thi kế hoạch đầy tham vọng của Chính phủ.