Indonesia bị FIFA 'cấm vận', tước quyền đăng cai World Cup U20 sau vụ bạo loạn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Truyền thông Indonesia lo ngại bóng đá nước nhà sẽ bị FIFA "cấm vận" sau vụ bạo loạn tại giải vô địch quốc gia khiến ít nhất 125 người thiệt mạng.

Truyền thông Indonesia cho biết tới thời điểm này, FIFA mới gửi lời chia buồn với Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) chứ chưa có bất cứ án phạt này. Tổ chức bóng đá lớn nhất thế giới đang dõi theo điều tra của Chính phủ Indonesia liên quan vụ việc, trước khi đưa ra phán quyết (nếu có).

"Sau thảm kịch tại sân Kanjuruhan, FIFA có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc với bóng đá Indonesia", Indo Sport lo ngại.

Vụ bạo loạn tại giải vô địch quốc gia khiến bóng đá Indonesia đối mặt án phạt nghiêm khắc từ FIFA

Vụ bạo loạn tại giải vô địch quốc gia khiến bóng đá Indonesia đối mặt án phạt nghiêm khắc từ FIFA

Tờ báo dẫn một loạt án phạt mà FIFA có thể đưa ra như: tước quyền đăng cai World Cup U20-2023; tước tư cách thành viên của PSSI; đóng cửa có thời hạn tất cả các giải đấu chuyên nghiệp do PSSI tổ chức; cấm các đội tuyển, CLB của Indonesia dự các giải quốc tế...

"Nếu điều đó xảy ra, đấy lại là tổn thất lớn cho bóng đá Indonesia", Indo Sport nhấn mạnh.

Một trong những chi tiết được cho là nguyên nhân gia tăng mức độ nghiêm trọng của vụ bạo loạn trên sân Kanjuruhan sau trận chủ nhà Arema FC thua Persebaya Surabaya 2-3 tại giải VĐQG Indonesia tối 1-10, là việc cảnh sát đã dùng súng bắn hơi cay nhằm vào các cổ động viên để giải tán đám đông.

Đây là hành động bị FIFA nghiêm cấm.

Cùng với đó, vụ bạo loạn lên tới 448 nạn nhân, trong đó ít nhất 125 người thiệt mạng, bao gồm 32 trẻ em, có mức độ nghiêm trọng thứ 2 trong lịch sử bóng đá thế giới, chỉ xếp sau thảm kịch tại Peru năm 1964 khiến hơn 300 người chết. Đây là chi tiết quan trọng khi FIFA đánh giá, quyết định án phạt.

Thảm kịch Kanjuruhan khiến 125 người thiệt mạng, nghiêm trọng thứ hai trong lịch sử bóng đá thế giới

Thảm kịch Kanjuruhan khiến 125 người thiệt mạng, nghiêm trọng thứ hai trong lịch sử bóng đá thế giới

Trước nguy cơ bị "cấm vận" dài hạn cùng nhiều hệ luỵ đi kèm, PSSI cho biết đang tích cực làm việc với FIFA, bao gồm cung cấp các tình tiết giảm nhẹ.

Tổng thư ký PSSI - Yunus Nuri cho rằng nguyên nhân chính khiến 125 người thiệt mạng là do các nạn nhân giẫm đạp lên nhau để tháo chạy khỏi đạn hơi cay của cảnh sát, chứ không phải cuộc bạo loạn đánh giết lẫn nhau giữa các cổ động viên.

Tuy nhiên, hình ảnh sân Kanjuruhan quá tải (sức chứa 38.000 chỗ nhưng bán ra 42.000 vé) trước khi hàng ngàn cổ động viên quá khích tràn xuống sân đập phá, đụng độ với cảnh sát trong các video, hình ảnh vụ việc được lan truyền khiến dư luận quốc tế bày tỏ quan ngại về công tác đảm bảo an ninh, an toàn các trận đấu tại Indonesia.

Đây chính là nguy cơ khiến Indonesia có thể bị tước quyền đăng cai World Cup U20-2023, nơi 23 đại diện xuất sắc nhất thế giới sẽ cùng U20 Indonesia tranh tài.

Dù chưa chịu án phạt từ FIFA, song lúc này, bóng đá Indonesia gần như "đóng băng" khi giải vô địch quốc gia Indonesia bị hoãn vô thời hạn, các trận đấu quốc tế bao gồm vòng loại U17 châu Á diễn ra tại Indonesia phải thi đấu không khán giả...