Huy động hơn 200 người khắc phục sạt trượt mái đê sông Hồng tại thị xã Sơn Tây

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 12-9, hơn 200 người thuộc lực lượng quân đội, công an, thị xã Sơn Tây, Hà Nội và xã Đường Lâm được huy động đến hộ đê, thực hiện đóng cọc tre, đắp các bao tải đất, ốp phên tre vào mái đê, chiều dài khoảng 30m để chống sạt trượt mái đê...

Theo Hạt Quản lý đê số 2 (phụ trách quản lý địa bàn đê của thị xã Sơn Tây và huyện Phúc Thọ), sự cố xảy ra vào khoảng 6h sáng 12-9, đơn vị nhận được thông tin của lực lượng tuần tra canh gác điếm số 27, báo cáo có sự cố sạt trượt ở mái đê thượng lưu sông Hồng, tương ứng với km27+400.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo Hạt tổ chức lực lượng xuống ngay hiện trường, phối hợp kiểm tra hiện trạng và ghi nhận cung sạt khoảng 16,7m, chiều rộng của cung sạt khoảng 7m, vết nứt mở rộng khoảng 0,35 đến 0,4m.

Lực lượng chức năng đắp đất, kè đê

Lực lượng chức năng đắp đất, kè đê

Trong buổi sáng 12-9, hơn 200 người thuộc lực lượng quân đội, công an, thị xã và xã Đường Lâm được huy động đến hộ đê, thực hiện đóng cọc tre, đắp các bao tải đất, ốp phên tre vào mái đê, chiều dài khoảng 30m để chống sạt trượt mái đê...

Theo báo cáo của thị xã Sơn Tây: Lượng nước tại các sông, hồ trên địa bàn tiếp tục dâng lên rất cao, đã tự chảy tràn qua cao trình đỉnh đập gây ngập úng sản xuất và các khu dân cư trên địa bàn thị xã khoảng 3.000ha.

Lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp chống sạt trượt mái đê sông Hồng, đoạn qua thôn Hà Tân, xã Đường Lâm.
Lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp chống sạt trượt mái đê sông Hồng, đoạn qua thôn Hà Tân, xã Đường Lâm.

Trước đó, cơn bão số 3 đã làm 407,5ha canh tác trên địa bàn thị xã bị ngập, đổ, trong đó, có 187ha lúa bị đổ, 54,9ha lúa bị chìm ngập; 22ha cây ăn quả, 165,5ha cây rau màu, 6,6ha cây lâm nghiệp bị gãy đổ tương đương 9.928 cây lâm nghiệp các loại; 8.580 con gia cầm bị chết; 23,7ha thủy sản tràn bờ; di dời 50 con gia súc bị ảnh hưởng do ngập...

Toàn thị xã đã tổ chức di dời hơn 1.360 người khỏi các vùng nguy hiểm ngoài đê, khu vực ven sông Tích; bố trí nơi tránh trú an toàn và các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ người dân, đặc biệt những trường hợp già cả không nơi nương tựa và các trường hợp đặc biệt khác, bảo đảm không để ai bị đói, bị rét vì mưa bão; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, vật tư y tế cũng như cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng phục vụ nhiệm vụ cấp cứu bệnh nhân...